Quảng trường trung tâm TP Đà Nẵng: Những gợi ý cách đây gần... 10 năm!
Ý tưởng xây dựng quảng trường trung tâm Đà Nẵng
Như tin đã đưa, tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều 18/8 để cung cấp một số thông tin liên quan đến việc mở rộng trụ sở Thành ủy Đà Nẵng và “di dời” Trung tâm Hành chính TP, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã “tiết lộ” ý tưởng xây dựng xây dựng quảng trường trung tâm hướng ra sông Hàn.
"Nhiều anh em chuyên môn đưa ra ý tưởng kiến trúc có thể giải tỏa từ Nhà hát Trưng Vương giáp đường Phan Châu Trinh thẳng một vệt xuống đường Bạch Đằng để làm quảng trường trung tâm của TP. Không biết sau này thế nào nhưng tôi nghĩ làm được như thế là tốt, là đẹp, có khi không thua quảng trường Thời Đại của Mỹ. Nhưng đó mới là ý tưởng đề xuất thôi!” – ông Võ Công Trí nói.
Đà Nẵng đang có ý tưởng xây dựng quảng trường trung tâm TP từ trước Nhà hát Trưng Vương đến bờ Tây sông Hàn (Ảnh: HC) |
Chiều 24/8, tại cuộc gặp gỡ lãnh đạo cao cấp và tướng lĩnh nghỉ hưu nhân dịp lễ Quốc khánh, ông Võ Công Trí tiếp tục cho biết, Đà Nẵng đang có ý tưởng tổ chức thi tuyển quốc tế thiết kế xây dựng quảng trường trung tâm TP như nêu trên. Hiện Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng đang giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với tư vấn nước ngoài lựa chọn phương án thật sự hiệu quả.
Thực ra, không phải đến bây giờ ý tưởng xây dựng quảng trường trung tâm TP Đà Nẵng mới được đặt ra. Cách đây 9 năm, tại hội thảo khoa học “Tầm nhìn quy hoạch phát triển TP Đà Nẵng hướng đến đô thị hiện đại có bản sắc” (ngày 13/12/2007) do UBND TP Đà Nẵng và Đại học Kiến trúc TP.HCM phối hợp tổ chức, ý tưởng này từng được hai KTS Khương Văn Mười và Trương Song Trương (Khoa Quy hoạch, ĐH Kiến trúc TP.HCM) khởi xướng.
Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống
Trong tham luận “Tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị Đà Nẵng”, hai KTS này nhận định, nhìn chung Đà Nẵng không thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng như: không gian cảnh quan phía bờ Tây sông Hàn, quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương và Trung Tâm triển lãm 84 Hùng Vương (nay là dự án “treo” Viễn Đông Meridian), quảng trường biển cuối đường Phạm Văn Đồng (Công viên Biển Đông)... Tuy nhiên chất lượng và hiệu quả hoạt động của các không gian này còn nhiều điều phải bàn.
Không gian cảnh quan phía bờ Tây sông Hàn là trục đường mới được đầu tư xây dựng và khá thành công về mặt cảnh quan đô thị. Đây vốn là một đường phố cũ, cảnh quan không có giá trị và có không ít vấn đề về môi trường, xã hội nhưng bây giờ là một không gian ấn tượng ven sông Hàn, đem lại cảm giác mới lạ và hấp dẫn cho TP. Tuy nhiên tại đây còn thiếu cây xanh và các công trình kiến trúc cho các hoạt động sinh hoạt của người dân như vẽ tranh, trưng bày nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc... mà chỉ đơn thuần là một không gian hóng gió, ngắm cảnh.
Không gian quảng trường biển cuối đường Phạm Văn Đồng cũng là một công trình mới được đầu tư xây dựng, có vị trí rất đẹp. Khu vực này là một quảng trường rất có giá trị cho người dân trong những ngày hè, là nơi diễn ra nhiều hoạt động gắn với biển. Tuy nhiên tại đây còn ít cây xanh, độ che phủ thấp nên quảng trường bị nhiều nắng nóng và bức xạ nhiệt. Do đó công suất hoạt động còn thấp, chủ yếu vào buổi chiều tối. Bên cạnh đó, không gian quảng trường còn đơn điệu, thiếu sự thay đổi về chiều cao cốt nền và các công trình kiến trúc nhỏ.
Để xây dựng quảng trường trung tâm như ý tưởng được nêu ra, Đà Nẵng phải tốn kinh phí cực lớn để giải tỏa, đền bù... (Ảnh: HC) |
So với các không gian sinh hoạt cộng đồng khác trong TP Đà Nẵng thì không gian quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương và khu đất 84 Hùng Vương có thâm niên nhất do nằm trên trục phố cũ. Trước kia, đây là khu vực thu hút nhiều người dân đến vui chơi, chụp hình nhưng gần đây TP Đà Nẵng có nhiều khu vực mới có cảnh quan đẹp hơn nên vị trí này ít còn thu hút người dân.
Theo hai KTS Khương Văn Mười và Trương Song Trương, Đà Nẵng cần nâng cấp và tạo thêm nhiều không gian sinh hoạt cộng đồng, xem đó là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo ra nét đặc trưng cho TP. Tuy nhiên đây không phải là điều dễ dàng và có thể làm được ngay trong một sớm, một chiều.
Những gợi ý từ cách đây gần 10 năm
Nhận định khí hậu Đà Nẵng vốn khắc nghiệt, gió bão, mưa nắng thất thường nên các không gian sinh hoạt cộng đồng hiện nay hầu như chỉ hoạt động vào những ngày hè hay những ngày trời đẹp, còn mùa đông thì người dân hầu như không đến các không gian này, hai KTS Khương Văn Mười và Trương Song Trương nhấn mạnh: “Do vậy, cần nghiên cứu tổ chức các không gian sinh hoạt cộng đồng ấm cúng nằm sâu trong đô thị, hơn là đem tất cả ra bờ sông, bờ biển!”.
Từ đó, hai KTS này cho rằng Đà Nẵng cần nâng cấp, cải tạo các không gian sinh hoạt cộng đồng hiện hữu, nhất là không gian quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương vì “đây là không gian rất có giá trị, lại nằm sâu trong đô thị cũ, ấm cúng, là nơi thuận tiện cho sinh hoạt của người dân trong những ngày mùa đông”. Đồng thời nghiên cứu các giải pháp kiến trúc che chắn phù hợp với điều kiện khí hậu để người dân có nơi sinh hoạt quanh năm.
Theo hai KTS Khương Văn Mười và Trương Song Trương, cần tạo lập tại quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương và khu đất 84 Hùng Vương một không gian sinh hoạt cộng đồng thân thiện. Do không gian sinh hoạt cộng đồng là nơi thu hút người dân trong đô thị nên không gian kiến trúc ở đây phải gần gũi, thân thiện, tránh việc sử dụng các hình khối kiến trúc nặng nề gây áp chế, thể hiện quyền uy.
...Cũng như phải tính đến việc giải tỏa cả chợ Hàn! (Ảnh: HC) |
“Người dân đô thị đến với không gian sinh hoạt cộng đồng không phải chỉ để ngắm cảnh mà cái chính là để vui chơi, sinh hoạt. Vì vậy, việc tổ chức không gian này không phải ở việc tươm tất, gọn gàng mà là tổ chức các hoạt động của con người. Cần đưa vào không gian này các hoạt động đầy màu sắc như triển lãm ảnh, chiếu sáng nghệ thuật, trưng bày nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn âm nhạc...” – hai KTS Khương Văn Mười và Trương Song Trương lưu ý.
Những khó khăn trước mắt
Tất nhiên, để xây dựng được quảng trường trung tâm kéo dài từ giáp đường Phan Châu Trinh đến giáp đường Bạch Đằng, Đà Nẵng phải tính đến khoản kinh phí cực lớn và quỹ nhà đất có giá trị tương đương để giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư cho hàng trăm nhà dân, đơn vị, doanh nghiệp trong “tứ giác vàng” Hùng Vương – Trần Phú – Nguyễn Thái Học – Yên Bái.
Đặc biệt là Đà Nẵng cũng phải tính tới việc giải tỏa chợ Hàn, một trong những chợ lớn và sầm uất nhất TP hiện nay. Điều này lại có vẻ mâu thuẫn với việc lãnh đạo TP đang kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa nhằm xây dựng chợ Hàn thành một trung tâm thương mại cao tầng mang tầm cỡ quốc tế bên bờ sông Hàn.
Đúng như hai KTS Khương Văn Mười và Trương Song Trương đã nhận định: “Không gian sinh hoạt cộng đồng là một yếu tố hết sức quan trọng và không thể thiếu trong các đô thị. Đó là nơi để cư dân trong đô thị hay một cộng đồng dân cư gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, sinh hoạt tạo nên các quan hệ xã hội. Tuy nhiên việc xây dựng không gian sinh hoạt cộng đồng tại một đô thị như TP Đà Nẵng không phải là điều dễ dàng và một sớm một chiều có thể làm được ngay”.
Tuy nhiên hai KTS đến từ trường Đại học Kiến trúc TP.HCM cũng nêu rõ: “Với những tiềm năng tự nhiên, ưu thế sẵn có cũng như năng lực tốt trong quản lý đô thị hiện nay. Chúng tôi tin tưởng một ngày không xa Đà Nẵng sẽ xây dựng được các không gian sinh hoạt cộng đồng có giá trị và mang đặc trưng riêng của TP”.