Tàu sân bay thứ hai của TQ sẽ chuyên hoạt động ở Biển Đông?
Một chuyên gia Trung Quốc nhận định sau các đợt huấn luyện để tăng cường năng lực chiến đấu, tàu sân bay thứ hai Sơn Đông sẽ chuyên hoạt động ở Biển Đông.
Chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 28/10, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Li Jie nhận định hình ảnh video mới được công bố cho thấy Sơn Đông, tàu sân bay thứ hai nhưng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, đã nắm được những năng lực cơ bản và sẵn sàng được triển khai ra những vùng biển rộng lớn hơn để cải thiện khả năng chiến đấu thông qua tập trận.
Theo hình ảnh video được đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố hôm 27/10, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã tham gia đợt huấn luyện trên biển Bột Hải từ ngày 1 – 23/9.
CCTV nhấn mạnh, tàu Sơn Đông đã hoàn thành sứ mệnh huấn luyện và thử nghiệm thường kỳ trên biển tập trung vào năng lực chiến đấu thực tế và đã phục vụ trong lực lượng hải quân Trung Quốc được 10 tháng.
Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc neo đậu tại quân cảng ở thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Trước đó, vào ngày 17/12/2019, tàu sân bay Sơn Đông đã chính thức được biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc tại một quân cảng ở thành phố Tam Á, cực nam đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Đoạn video được CCTV đăng tải còn cho thấy, tiêm kích J-15 thực hành cất cánh và hạ cánh xuống tàu sân bay, cùng các bài huấn luyện bắn đạn thật từ tàu chiến này. Trực thăng Z-9S cũng xuất hiện trong đoạn video và dường như liên quan tới bài huấn luyện tìm kiếm và cứu hộ.
Theo ông Li, tàu sân bay Sơn Đông đã thu được năng lực chiến đấu cơ bản chỉ sau chưa đầy 1 năm được biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc.
Ông Li nhấn mạnh thêm, các cuộc tập trận bắn đạn thật trên tàu Sơn Đông đã chứng minh việc mong muốn sở hữu bộ đôi nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc không còn chỉ là lý thuyết. Trước Sơn Đông, Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay duy nhất là Liêu Ninh. Nhưng con tàu này chủ yếu phục vụ hoạt động huấn luyện thay vì chiến đấu.
“Thông thường phải mất từ 1 – 2 năm, một tàu sân bay mới có thể thu được năng lực chiến đấu cơ bản, nhưng Sơn Đông lại mất chưa tới 1 năm dù trước đó Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay và kinh nghiệm là có hạn. Điều này chứng minh chất lượng huấn luyện của hải quân Trung Quốc”, ông Li nói.
Cũng theo ông Li, thông qua đợt tập trận trên tàu Sơn Đông, chiến đấu cơ J-15 đã chứng minh giữ vị trí quan trọng nhất trong đội hình chiến đấu trên tàu sân bay. Một tàu sân bay không bao giờ hoạt động đơn lẻ một mình mà phải đi theo đội hình cùng với nhóm hỗ trợ chiến đấu trên không, trên biển và dưới mặt nước mới có thể đối phó với đối phương. Và J-15 đóng vai trò tiên phong trong nhóm chiến đấu.
Việc CCTV cho công bố hình ảnh đợt huấn luyện dài ngày của tàu Sơn Đông trước lễ kỷ niệm 1 năm được biên chế vào lực lượng hải quân cũng là nhằm thể hiện với thế giới rằng, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc hiện sẵn sàng hoạt động trên các vùng biển lớn, theo ông Li.
Song ông Li cũng cho rằng, dù đã làm chủ những kỹ năng chiến đấu cơ bản, nhưng tàu sân bay Trung Quốc vẫn cần tiếp tục nâng cao thêm năng lực thông qua những cuộc tập trận sắp tới.
Ngoài ra, theo ông Li, việc tàu Sơn Đông được biên chế hoạt động ở thành phố Tam Á đồng nghĩ với việc con tàu này sẽ phục vụ trong lực lượng Chiến khu Nam Bộ, đơn vị phụ trách mọi hoạt động ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, từ đầu năm nay, quân đội Mỹ đã liên tiếp cho triển khai các sứ mệnh như tập trận và điều động máy bay trinh sát tới vùng biển chiến lược.
Gần đây nhất, quân đội Mỹ - Nhật – Australia đã tổ chức đợt tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 19/10 với sự tham gia của tàu khu trục USS John S. McCain của hải quân Mỹ, tàu khu trục JS Kirisame (DD 104) của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cùng khu trục hạm HMAS Arunta (FFH 151) của Hải quân Hoàng gia Australia.
Sự kiện này đánh dấu lần thứ 5 trong năm nay, Mỹ - Nhật – Australia cùng tiến hành hoạt động chung trong khu vực Hạm đội 7 đảm trách.
Video: Khái quát hình ảnh tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc, Sơn Đông
Minh Thu (lược dịch)