Mỹ - Ấn hợp tác quân sự chưa từng có và phản ứng từ Trung Quốc
Mỹ - Ấn đã ký kết thỏa thuận mới nâng tầm quan hệ quân sự song phương, trong khi Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích Washington nhắc đi nhắc lại về "mối đe dọa Trung Quốc".
Mỹ - Ấn Độ không chỉ tái khẳng định mà còn có động thái tăng cường mối quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai nước, trong bối cảnh Washington muốn lôi kéo các quốc gia đồng minh ở châu Á ngăn chặn hoạt động quân sự mở rộng của Trung Quốc ở khu vực.
Trong cuộc họp báo hôm 27/10 tại thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cùng người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh đã thông báo về việc hai nước ký kết Hiệp ước Hợp tác và Trao đổi Cơ bản (BECA), nhằm tăng cường năng lực chia sẻ thông tin và hợp tác quốc phòng song phương.
Tàu sân bay USS Carl Vinson cùng 2 chiến hạm USS Michael Murphy và USS Lake Champlain hoạt động trên Ấn Độ Dương hồi năm 2017. (Ảnh: Reuters) |
“Mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước duy trì vai trò trụ cột chính trong các mối quan hệ song phương. Dựa trên những lợi ích và giá trị chung, chúng ta sẽ cùng sát cánh hỗ trợ vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa, giữa lúc những hành động hung hăng và gây bất ổn ngày càng lớn từ phía Trung Quốc”, CNN dẫn lời Bộ trưởng Esper.
Theo Bộ trưởng Singh, thỏa thuận BECA duy trì cam kết về “hoạt động tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp trên các vùng biển quốc tế, đồng thời đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả quốc gia”.
Trong khi đó, vào tháng 11 tới, Mỹ và Ấn Độ sẽ cùng tham gia cuộc tập trận chung hải quân mang tên Malabar diễn ra trên Ấn Độ Dương. Cuộc tập trận được cho là minh chứng về việc “Bộ Tứ Kim cương”, một liên minh phi chính thức giữa Mỹ - Nhật - Ấn – Australia, muốn tăng cường năng lực đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
Sau cuộc họp của Bộ Tứ Kim cương tại Tokyo hồi đầu tháng 10, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã chia sẻ với các phóng viên rằng, “không thể tránh được thực tế là những hành động của Trung Quốc trong khu vực khiến Bộ Tứ Kim cương trở nên quan trọng và có trách nhiệm”.
Cũng theo quan chức Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã cho thực hiện hàng loạt hành động mang tính khiêu khích nhằm vào các quốc gia láng giềng trong khu vực, mà điển hình là xung đột biên giới suốt vài tháng qua giữa Trung - Ấn trên dãy núi Himalaya. Hồi tháng Sáu, căng thẳng tranh chấp chủ quyền biên giới Trung - Ấn bị đẩy lên cao trào, sau cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ liên quan tới một cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc.
Nhắc tới BECA, việc ký kết thỏa thuận với Mỹ cho phép Ấn Độ tiếp cận nguồn tin tình báo về không gian địa lý mà Mỹ thu thập được, từ đó cải thiện năng lực để quân đội Ấn Độ có thể điều động vũ khí chính xác cần thiết và nhanh chóng tới dọc vùng biên giới.
Bình luận về mối quan hệ Mỹ - Ấn, hồi đầu tháng này, một bài báo đăng trên tờ China Daily nhận định, “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ là nhằm vào Trung Quốc và Ấn Độ cũng sẽ hùa vào với Mỹ để phục vụ tương lai cho cái gọi là chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ”.
“Căng thẳng tranh chấp biên giới với Trung Quốc có thể khiến Ấn Độ xích lại gần Mỹ hơn nhằm tăng thêm vị thế trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Nhưng việc mù quáng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ sẽ chỉ đẩy Ấn Độ tiến gần hơn tới một cuộc xung đột với Trung Quốc và không có lợi cho bất cứ bên nào”, tờ China Daily viết.
Trong tuần này, tờ Tân Hoa Xã cũng đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận hải quân Malabar sắp diễn ra trong tháng 11. Theo Tân Hoa Xã, cuộc tập trận là bằng chứng cho thấy Bộ tứ Kim cương “đang hâm nóng quan hệ hợp tác an ninh và quân sự để phục vụ mục đích chính trị”.
“Các thành viên của Bộ Tứ Kim cương cần nhận ra rằng, việc cố tình kích động thù hằn trong khu vực là chống lại xu thế của thời đại và các nước lớn trên thế giới hoàn toàn không thể chấp nhận được điều này. Nỗ lực của một số nước là khơi dậy tâm lý Chiến tranh Lạnh và tạo ra sự hỗn loạn trong khu vực. Nhưng điều này sẽ chỉ khiến họ tự bắn vào chân mình”, Tân Hoa Xã bình luận.
Thậm chí, chia sẻ trên Twitter hôm 27/10 sau khi truyền thông Ấn Độ đưa tin về việc New Delhi cần tận dụng cơ hội hợp tác trong Bộ Tứ Kim cương, nhà ngoại giao Trung Quốc Li Bijian viết, “các ngài có biết hậu quả sau việc đùa với lửa là gì không?”.
Từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh”
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 27/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã lên tiếng đáp trả sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhiều lần nhắc tới “mối đe dọa Trung Quốc” xuyên suốt chuyến công tác 5 ngày tới các nước châu Á gồm Sri Lanka, Maldives, Indonesia và Ấn Độ.
“Chúng tôi hối thúc ông Pompeo từ bỏ ‘tư tưởng Chiến tranh Lạnh’ và ngừng rêu rao về ‘mối đe dọa Trung Quốc’”, RT dẫn lời ông Uông.
Trước đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Ngoại trưởng Pompeo cùng có mặt ở New Delhi vào ngày 26/10 để thảo luận với những người đồng cấp Ấn Độ.
Phát biểu trước thời điểm diễn ra phiên đối thoại cấp cao với quan chức ngoại giao Ấn Độ, Ngoại trưởng Pompeo đã nhấn mạnh về mối đe dọa từ Trung Quốc đối với an ninh khu vực.
"Chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta có rất nhiều điều để thảo luận hôm nay: hợp tác của chúng ta trong đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán, đương đầu với những mối đe dọa từ Trung Quốc đối với an ninh và tự do nhằm thúc đẩy nền hòa bình và ổn định trong khu vực", ông Pompeo nói.
Cũng trong ngày 27/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích việc Mỹ có động thái bán thêm vũ khí cho Đài Loan, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Quốc hội để phê chuẩn thương vụ bán 100 Hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon có tổng trị giá 2,4 tỉ USD cho Đài Loan.
Mới đây, Trung Quốc cũng đã tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với các tập đoàn quốc phòng Mỹ gồm Boeing, Raytheon và Lockheed Martin trước cáo buộc tham gia thương vụ bán lô vũ khí 1,8 tỉ USD cho Đài Loan.
Trung Quốc vừa ban bố trừng phạt, Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý với thương vụ bán lô vũ khí trị giá 2,37 tỉ USD cho Đài Loan đúng ngày Trung Quốc tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt với một số tập đoàn quốc phòng Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)