Tạp chí Mỹ gọi Bom Sa hoàng thời Liên Xô là 'vô dụng'
Tạp chí The National Interest của Mỹ thừa nhận rằng quả bom nhiệt hạch AN602 của Liên Xô, được gọi là Bom Sa hoàng (Tsar Bomba) vô dụng khi tấn công Mỹ vào những năm 1960.
Theo ấn phẩm của Mỹ, quả bom hóa ra quá nặng để vận chuyển trên quãng đường dài, vì vậy loại vũ khí này không có ý nghĩa khi sử dụng chống lại kẻ thù có hệ thống phòng không phát triển.
Bom Sa hoàng, quả bom hạt nhân có sức công phá lớn nhất lịch sử từng được kích hoạt năm 1961. (Ảnh: RIA) |
National Interest cho biết, AN602 (còn gọi là Tsar Bomba) nặng 26,5 tấn, dài 8 mét và chiếc máy bay chở quả bom là chiếc Tu-95 của Liên Xô đã bị mất thùng nhiên liệu bên ngoài, do đó máy bay sẽ không thể thực hiện quãng đường bay từ Liên Xô tới Mỹ.
AN602 là quả bom khinh khí nhiệt hạch được phát triển ở Liên Xô vào năm 1956-1961 bởi một nhóm các nhà vật lý hạt nhân do viện sĩ Igor Kurchatov dẫn đầu.
Cuộc thử nghiệm AN602 được thực hiện vào ngày 30/10/1961 bằng cách ném từ máy bay Tu-95V ở độ cao khoảng 34.000 feet tại khu thử nghiệm hạt nhân Sukhoi Nos (đảo Novaya Zemlya). Sức công phá tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT. Để dễ hình dung, quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản hồi năm 1945 có sức mạnh tương đương khoảng 16 nghìn tấn TNT, trong khi quả bom thả xuống Nagasaki tương đương 21 nghìn tấn TNT.
Như vậy, Bom Sa hoàng có sức mạnh gấp khoảng 1.350 lần sức công phá của hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản. Loại bom mạnh nhất mà Mỹ từng chế tạo với tên gọi Castle Bravo cũng chỉ mạnh bằng khoảng 22 triệu tấn TNT.
“Tsar Bomba” là thiết bị nổ mạnh nhất từng được tạo ra trong lịch sử loài người. Nó được liệt kê trong Sách kỷ lục Guinness là thiết bị nhiệt hạch mạnh nhất đã vượt qua thử nghiệm.
Vụ nổ tạo ra một đám mây khổng lồ cao gần 10.000 m và có thể nhìn thấy từ khoảng cách gần 1.000 km. Do bom nổ ở trên cao nên không tạo ra nhiều phóng xạ trên mặt đất.
Chuyên gia Liên Xô khẳng định đây là “vụ nổ sạch” vì quả bom được kích hoạt ở độ cao lớn. Các chuyên gia Liên Xô bay tới tâm vụ nổ ngay sau thử nghiệm, một số còn đi lại dưới hiện trường mà không mặc đồ bảo hộ.
Sức nóng từ quả bom làm tan chảy phần lớn lớp tuyết ở khu vực thử nghiệm, nơi cách Bắc Cực gần 2.000 km. Sóng xung kích từ vụ nổ làm đổ sập các công trình bằng gỗ và phá vỡ kính cửa sổ cách đó hàng trăm km.
Theo các chuyên gia, vụ thử nghiệm Bom Sa hoàng đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Mỹ. Nhờ đó, cuộc chạy đua vũ khí nhiệt hạch và nguy cơ nổ ra chiến tranh hạt nhân đã được ngăn chặn.
Mục đích Anh gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân là gì?
Trong khi chính sách cắt giảm vũ khí hạt nhân đang được theo đuổi trên khắp thế giới, thì Anh lại quyết định tăng số lượng đầu đạn hạt nhân.
Thanh Bình (lược dịch)