Tại sao Mỹ rút Patriot khỏi Saudi Arabia và giảm hiện diện quân sự ở Vịnh Ba Tư?
Mỹ đang rút hệ thống tên lửa Patriot và nhiều binh lính khỏi Saudi Arabia, đồng thời cũng xem xét giảm sự hiện diện quân sự tại Vịnh Ba Tư.
Tạp chí The Wall Street Journal (WSJ) mới đây cho biết, các quan chức Mỹ tuyên bố rằng, Mỹ đang rút hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot khỏi Saudi Arabia, đồng thời cũng xem xét cắt giảm các lực lượng quân sự khác ở quốc gia này. Các quan chức Mỹ khẳng định, việc cắt giảm trang bị và lực lượng của Mỹ ở Riyadh đánh dấu sự kết thúc các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông nhằm vào Iran.
Mỹ bố trí 4 tổ hợp Patriot ở Saudi Arabia. Nguồn: eastday.com. |
WSJ dẫn lời một số quan chức Mỹ nói rằng, Mỹ đang rút 4 tổ hợp hệ thống Patriot khỏi Saudi Arabia và nhiều binh lính được điều động đến đây sau khi các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia bị tấn công năm 2019. Đồng thời, 2 phi đội máy bay chiến đấu của Mỹ cũng đã rời khỏi khu vực này, Washington cũng xem xét nhanh chóng cắt giảm sự hiện diện quân sự của Hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư.
WSJ cho biết, việc rút tên lửa và nhiều binh lính của Lầu Năm Góc dựa trên đánh giá rằng, Tehran "không còn là mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích chiến lược của Mỹ". Đồng thời, các nhà hoạch định Lầu Năm Góc tin rằng, các nguồn lực quân sự hạn chế của Mỹ, bao gồm cả tàu chiến và hệ thống tên lửa Patriot, nên được dành riêng cho các ưu tiên khác, bao gồm việc đối phó với ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hải quân Mỹ cũng xem xét giảm sự hiện diện ở Vịnh Ba Tư. Nguồn: eastday.com. |
Hiện, phía Saudi Arabia vẫn chưa đưa ra phản ứng nào về vấn đề này. Giới quan sát cho rằng, Iran và Trung Quốc chỉ là “cái cớ” của Mỹ, thực chất, hành động rút quân khỏi Saudi Arabia là hành động có dự tính trước nhằm gây áp lực với Saudi Arabia để giảm sản lượng dầu.
Trước đó, Reuters cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc trò chuyện qua điện thoại với Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman hồi đầu tháng 4/2020 đã tuyên bố, Washington sẽ buộc phải rút quân khỏi Saudi Arabia nếu OPEC +, bao gồm cả Riyadh, không giảm sản lương dầu.
Rút quân khỏi Saudi Arabia chỉ là “cái cớ” của Mỹ? Nguồn: eastday.com. |
Nguồn tin tiết lộ, giới lãnh đạo Saudi Arabia được thông báo, nếu Riyadh không cắt giảm sản lượng dầu, chính quyền Tổng thống "sẽ không thể ngăn Quốc hội Mỹ đưa ra các hạn chế chống lại Riyadh, có thể kéo theo Washington sẽ rút quân".
Theo Reuters, ngày 7/5 Thượng nghị sĩ Cộng hòa Hoa Kỳ Bill Cassidy đã đề xuất Dự luật rút lực lượng Mỹ khỏi Arabia Mohammad, qua đó tiếp tục gây áp lực với quốc gia này để giảm sản lượng dầu nhằm đảo ngược sự sụt giảm của giá dầu thô, hạn chế sự thua lỗ của các công ty năng lượng Mỹ. Theo Dự luật, 30 ngày sau khi ban hành sắc lệnh, Quân đội Mỹ sẽ được rút khỏi Ả Rập Saudi.
Hồi cuối tháng 3/2020, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa là Kevin Kramer (bang Bắc Dakota) và Dan Sullivan (bang Alaska) đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội Mỹ đề nghị đình chỉ hậu thuẫn quân sự của nước này dành cho Saudi Arabia và rút quân đội Mỹ khỏi đây do các động thái của Riyadh trên thị trường dầu mỏ.
Một trong các giàn khoan dầu ở Mỹ đã ngừng khai thác do nhu cầu giảm. Nguồn: eastday.com. |
Được biết, thời gian qua, giá dầu giảm sâu do Saudi Arabia không nhất trí với Nga trong việc cắt giảm sản lượng dầu. Hành động của Saudi Arabia làm nền kinh tế thế giới vốn đang lao đao vì đại dịch Covid-19 lại càng trở nên khó khăn hơn. Trước bối cảnh này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí phối hợp với nhau buộc Saudi Arabia – nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC+ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Theo đó, các nước OPEC+ vào ngày 12/4 đã ký kết một thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử nhằm ổn định giá dầu. Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6, OPEC+ sẽ giảm sản xuất 9,7 triệu thùng mỗi ngày. Trong đó, Nga và Saudi Arabia mỗi nước sẽ giảm sản lượng hàng ngày 2,5 triệu thùng. Sau đó từ tháng 7 đến tháng 12, các nước trong liên minh sẽ giảm tổng cộng 7,7 triệu thùng mỗi ngày, và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 sẽ giảm 5,8 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ cắt giảm hơn nữa nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho các nhà thầu năng lượng lớn của Mỹ để tập trung đối phó dịch Covid-19, Tổng thống Trump đã phải nhanh chóng thực hiện “biện pháp mạnh” bằng cách rút trang bị và lực lượng của Washington ở Saudi Arabia và Trung Đông. Điều này làm gia tăng nguy cơ với Saudi Arabia trước các cuộc tấn công của lực lượng đối lập do Iran hậu thuẫn.
Đức Trí (lược dịch)