Tại sao Mỹ lại ‘sợ hãi’ trước pháo Nga?
Tạp chí National Interest của Mỹ từng nhận định khẩu pháo hải quân tự động AK-130 với cỡ nòng 130 mm của Nga là một trong những ví dụ điển hình về vũ khí pháo hiện đại được sử dụng trên tàu chiến.
Việc phát triển AK-130 bắt đầu vào tháng 6/1976 tại phòng thiết kế Arsenal mang tên M.V. Frunze. Lúc đầu, các nhà thiết kế làm việc trên súng một nòng A-217, nhưng sau đó sự lựa chọn được đưa ra nghiêng về súng hai nòng A-218.
Nhiều cải tiến lần đầu tiên được áp dụng trong đó: hộp đạn pháo được tăng cường, nạp đạn tự động,… Bản chất hai nòng cung cấp tốc độ bắn cao lên tới 90 phát/phút, nhưng điều này đạt được với cái giá phải trả là khối lượng của hệ thống tăng lên đáng kể.
Sự hiện diện của các cơ chế nạp đạn tự động giúp cho việc giải phóng toàn bộ số lượng đạn mà không cần lệnh bổ sung. Để tìm kiếm các mục tiêu và kiểm tra kết quả bắn, pháo hạm AK-130 sử dụng một trạm radar. Ngoài ra, AK-130 còn được trang bị hệ thống điều khiển bắn, bao gồm cả máy xác định phạm vi bằng laser. Với sự trợ giúp của tất cả các thiết bị hiện có, AK-130 cho thấy hiệu quả tác chiến cao khi chống lại các mục tiêu trên không.
Pháo hạm AK-130 của Nga hiện đang là một trong những khẩu pháo mạnh nhất được sử dụng trên tàu chiến. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga) |
Với 2 nòng, AK-130 có thể bắn 80 phát/phút (mỗi nòng bắn 40 viên đạn). Mỗi viên đạn nặng khoảng 33 kg. Tầm bắn tối đa khi tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất của AK-130 là 23 km. Ở vai trò phòng không, AK-130 có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 15 km. Còn khi tấn công tên lửa, AK-130 có tầm bắn hiệu quả lên đến 8 km. AK-130 với nòng kép nặng khoảng 100 tấn và khay đạn 40 tấn.
National Interest cho rằng, tất cả những điều này làm cho việc lắp đặt AK-130 cực kỳ nặng. Trong khi đó, pháo hạm Mark 45 Mod 2 có cỡ nòng 127 mm, được lắp đặt trên tàu khu trục Mỹ, chỉ nặng 54 tấn, bằng một nửa AK-130. Nhưng pháo hạm Mark 45 Mod 2 chỉ có một nòng và chỉ chứa 20 viên đạn trong khay tiếp đạn.
Người Mỹ ghi nhận với sự ngưỡng mộ rằng do các đặc điểm của AK-130, chẳng hạn như tốc độ bắn, trọng lượng đạn và cơ số đạn, AK-130 thậm chí hiện được coi là một trong những hệ thống pháo hải quân tốt nhất để bảo vệ chống lại máy bay không người lái (UAV) hiện đại, và cũng rất tuyệt nếu hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng mặt đất cũng như gây ra mối đe dọa sinh tử cho bất kỳ tàu địch nào trong khu vực bị ảnh hưởng.
Theo giới chuyên gia Mỹ, mặc dù được phát triển từ lâu, nhưng AK-130 vẫn là vũ khí hiệu quả của Hải quân Nga, vừa có thể giải quyết các vấn đề truyền thống vừa đáp ứng được những thách thức của thời đại hiện nay.
Trước đó, Liên Xô bắt đầu nảy sinh mong muốn sở hữu khẩu pháo tự động cỡ nòng lớn từ những năm Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những người lính pháo binh của Lực lượng Vũ trang Liên Xô cho rằng, những khẩu pháo hiện có với cỡ nòng từ 100-130mm với tốc bộ bắn chậm làm hạn chế khả năng tấn công các mục tiêu trên không.
Bởi thế, sau chiến tranh, trong giai đoạn năm 1952-1955, Liên Xô đã phát triển một số nguyên mẫu thử nghiệm pháo tự động nạp đạn. Những loại pháo tự động dự kiến được phát triển và đưa vào trang bị của Hải quân trong khuôn khổ chương trình đóng tàu giai đoạn năm 1956-1965, nhưng sau đó kế hoạch này đã bị hủy bỏ.
Năm 1957, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev đã ra lệnh ngừng công tác phát triển các loại pháo hạm cỡ nòng lớn hơn 76 mm. Do đó, các tàu chiến Liên Xô buộc phải trang bị những khẩu pháo hạm cỡ nòng nhỏ, trong đó còn có cả loại pháo không có cơ chế tiếp đạn tự động dẫn đến hiệu quả tác chiến không cao. Chỉ đến năm 1967, Liên Xô mới chính thức quyết định tạo ra một khẩu pháo tự động cỡ nòng lớn.
Bản thiết kế kỹ thuật mang ký hiệu nhà máy ZIF-92 xuất hiện vào năm 1969. Đó là khẩu pháo một nòng cỡ nòng 130 mm. Nhiều tính năng của khẩu pháo ZIF-92 sau này được ứng dụng vào pháo hạm AK-130. Các chuyên gia Liên Xô định lắp ZIF-92 trên tàu tuần tra thuộc Đề án 1135 Burevestnik. Tuy nhiên, ZIF-92 tỏ ra quá nặng đối với các tàu loại này và buộc phải nằm lại trên kệ.
Cuối cùng, hạm đội Liên Xô được chuyển giao loại pháo hạm với kết cấu 2 nòng vào năm 1985. Loại pháo này được đặt tên là AK-130 và được lắp đặt trên tàu khu trục Đề án 956 Sovremeny.
Nga sẽ thực hiện vụ phóng ICBM ‘khủng khiếp’ nhất lịch sử
Theo Avia.pro, trong vòng sáu tháng tới quân đội Nga sẽ thực hiện ba vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat.
Thanh Bình (lược dịch)