Những hệ thống pháo đáng gờm nhất của quân đội Nga
Các chuyên gia của kênh TechNoLimit mới đây đã chỉ ra những loại pháo nguy hiểm và có sức công phá mạnh nhất của quân đội Nga.
Pháo binh có nhiệm vụ làm mềm chiến trường, chuyên bắn chế áp hoặc hủy diệt vị trí đối phương để tạo điều kiện cho bộ binh và tăng thiết giáp chiếm lĩnh trận địa. Quân đội Liên Xô và Nga đã dành sự quan tâm đặc biệt cho pháo binh, biến đây thành lực lượng có sức hủy diệt lớn với độ chính xác cao, từng được nhà lãnh đạo Stalin gọi là “các vị thần chiến tranh”.
Theo đó, pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV đứng đầu trong top 5 hệ thống pháo nội địa tốt nhất theo đánh giả của TechNoLimit. Koalitsiya-SV sử dụng pháo 2A88 cỡ nòng 152 mm, đạt tầm bắn tối đa 40 km với đạn thông thường và 70 km với đạn thông minh. Đồng thời, hệ thống pháo này có thể bắn 16 viên đạn mỗi phút, nhanh gấp 3 lần mẫu M109 Paladin của Mỹ. Và tính cơ động của hệ thống pháo này đến mức, sau khi khai hỏa một loạt đạn với quỹ đạo khác nhau trong khoảng cách dài, nó có thể rời khỏi vị trí trước khi loạt đạn đầu tiên được bắn trúng mục tiêu.
Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV được tạo ra để phá hủy vũ khí hạt nhân chiến thuật, pháo và súng cối, xe bọc thép, nhân lực, phòng không, phòng thủ tên lửa và các mục tiêu khác của đối phương. (Ảnh: RIA) |
Loại pháo tiếp theo trong bảng xếp hạng là pháo tự hành cỡ lớn được phát triển trong Chiến tranh Lạnh 2S7 Pion (NATO định danh: M-1975). Pion đã được đưa vào sử dụng trong một thời gian dài, nhưng vẫn là một trong những loại pháo tự hành mạnh nhất của quân đội Nga. 2S7 Pion có cỡ nòng 203 mm và tầm bắn là 50 km. Bên cạnh đó, 2S7 còn có khả năng bắn đạn hạt nhân. Tuy nhiên, do kích cỡ đạn pháo 203 mm khá lớn nên 2S7 chỉ mang theo được 4 viên đạn, sau đó phải sử dụng thêm từ xe tiếp đạn.
Pháo tự hành cỡ lớn 2S7 Pion. (Ảnh: RIA) |
Đứng thứ 3 trong danh sách pháo tự hành mạnh nhất của Nga là hệ thống cối tự hành 2S4 Tyulpan (định danh NATO là M-1975), gồm một khẩu cối hạng nặng 2B8 cỡ nòng 240mm đặt trên khung gầm xe bánh xích rải mìn GMZ dùng động cơ diesel V-59 công suất 520 mã lực, có vận tốc tối đa 62km/h trên đường nhựa, 30km/h trên đường đất.
Cối tự hành 2S4 Tyulpan (Hoa tulip). (Ảnh: RIA) |
Tyulpan được đưa vào phục vụ từ những năm 70, nhưng có đủ sức công phá để vẫn được coi là một trong những hệ thống pháo mạnh nhất của Nga thời điểm hiện tại. Loại pháo này thậm chí có thể bắn đạn hạt nhân với đương lượng lên tới 2 kiloton. Khả năng bắn với góc nâng pháo tối đa cho phép Tyulpan với quỹ đạo cầu vồng khai hỏa từ vị trí kín, tránh bị phát hiện và tiêu diệt được mục tiêu nấp sau công sự hay sườn núi khuất.
Đứng thứ 4 trong top là pháo tự hành 2S31 Vena với pháo 2A80 cỡ nòng 120mm, được tạo ra trên cơ sở của xe chiến đấu bộ binh. 2S31 Vena là sản phẩm tương đối mới, được quân đội Nga đưa vào biên chế trong năm 2010. Tổ hợp này được phát triển nhờ kinh nghiệm trong cuộc chiến tại Afghanistan, khi cối tự hành hạng nhẹ 2S9 Nona được lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô tận dụng tối đa. Vena có mức độ tự động hóa cao, đồng thời đủ nhẹ để pháo tự hành có thể được chuyển đến những địa điểm mong muốn bằng máy bay vận tải.
Pháo tự hành 2S31 Vena. (Ảnh: RIA) |
Cuối cùng, trong danh sách và có lẽ mạnh nhất là hệ thống pháo phản lực nhiều nòng BM-30 Smerch. BM-30 có khả năng phóng 12 quả đạn pháo cỡ nòng 300 mm ở khoảng cách lên tới 90 km và bao phủ một khu vực rộng gần 70 hecta bằng một loạt bắn. Đôi khi Smerch còn được gọi là “vũ khí hủy diệt hàng loạt”, bởi đầu đạn chống bộ binh của nó có thể tiêu diệt mọi sinh vật sống trong khu vực sát thương.
Hiện BM-30 hiện là pháo phản lực mạnh nhất hiện nay trên chiến trường Syria, đồng thời nó cũng là một trong số ít dòng pháo phản lực mạnh nhất thế giới. BM-30 đạt tầm bắn từ 20-70 km, phiên bản đạn 9M528 mới có thể đạt tầm bắn từ 90-100 km. Các quả đạn thuộc hệ thống BM-30 đều có hệ thống hiệu chỉnh đường bay và tầm bắn để tăng độ chính xác.
Pháo phản lực nhiều nòng BM-30 Smerch của Nga. (Ảnh: RIA) |
Theo thiết kế, BM-30 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF), nhiệt áp (FAE), đạn cháy, đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng, cũng như đạn chống tăng tự dẫn. BM-30 Smerch có khả năng phóng từng quả đạn riêng rẽ hoặc phóng theo loạt 3, 6 và 12 đạn.
Thanh Bình (lược dịch)
Su-57 của Nga là máy bay chiến đấu tàng hình tụt hậu nhất thế giới?
Theo 19FortyFive, tiêm kích Su-57 của Nga được gọi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, vì nó xếp sau các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor, F-35 Lightning II và J-20.