Mỹ tính đưa tên lửa và vũ khí siêu thanh tới châu Á làm gì?
Mỹ đang cân nhắc triển khai các tên lửa tầm trung và cả vũ khí siêu thanh tới một số nước châu Á nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.
Chia sẻ với Nikkei Asian Review, ông Marshall Billingslea, đặc phái viên kiểm soát vũ khí của Tổng thống Donald Trump cho hay, Mỹ đang tiến hành đàm phán với các quốc gia là “bạn và đồng minh” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về cái gọi là “mối đe dọa trực tiếp” từ kho hạt nhân của Trung Quốc.
Theo ông Billingslea, một vài lực lượng của quân đội Mỹ cũng đang phát triển các loại vũ khí siêu thanh và có thể triển khai tới châu Á để ngăn chặn Bắc Kinh.
Mỹ tính đưa cả vũ khí siêu thanh tới châu Á để đối phó với Trung Quốc. (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, ông Billingslea sẽ gặp gỡ Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại Vienna vào hôm nay (17/8) để thảo luận về một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từng ký kết với Nga.
Vào tháng 2/2019, Mỹ đã đơn phương rút khỏi INF, hiệp ước cấm Nga – Mỹ phát triển, sử dụng hoặc triển khai các loại tên lửa có tầm bắn từ 500 - 5.500 km. Mỹ cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận khi cho triển khai một loại tên lửa hành trình mới. Nga đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc và nhấn mạnh Mỹ rút khỏi INF với mục đích khuấy động một cuộc chạy đua vũ trang.
Về phần mình, ông Trump còn công khai nhấn mạnh Hiệp ước INF không đưa ra bất cứ giới hạn nào cho chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. Do đó, theo ông Billingslea, trong cuộc gặp với quan chức Nga tại Vienna, một khuôn khổ đàm phán về hiệp ước kiểm soát vũ khí cần bao gồm cả Trung Quốc.
“Quan điểm của chúng tôi là có thể có các cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ với Nga và giữa Mỹ với Trung Quốc, cho tới khi các nguyên tắc đàm phán dẫn tới một khuôn khổ ba bên”, ông Billingslea nói.
Về phần mình, Bắc Kinh từ chối tham gia vào bất cứ thỏa thuận nào với Washington, do lo ngại Mỹ có thể cắt giảm số lượng vũ khí của Trung Quốc.
Hồi năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã có tuyên bố ám chỉ việc triển khai các tên lửa tới châu Á có thể “diễn ra sớm hơn” để thực hiện mục tiêu đối phó với Trung Quốc.
Song phát biểu tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản vào tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay sẽ phải “mất tới vài năm để phát triển tên lửa do gần đây Mỹ không sản xuất các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất”. Còn Australia và Hàn Quốc lại từ chối làm nơi để Mỹ triển khai tên lửa.
Theo truyền thông Nhật Bản, các quan chức Mỹ đã đưa chủ đề triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất thế hệ mới để bàn thảo với những người đồng cấp Nhật Bản, nhưng Tokyo chưa đưa ra bất cứ lời bình luận chính thức nào về vấn đề này.
Trả lời Financial Times hồi tháng 10/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết, Mỹ “hiện không có các tên lửa phi hạt nhân để triển khai. Có thể họ vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chúng tôi chưa thảo luận về chuyện này”.
Tới tháng Sáu năm nay, Nhật Bản cũng đã từ chối kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ do rào cản chi phí và kỹ thuật.
Tàu sân bay Mỹ trở lại Biển Đông tập trận
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông vào ngày 14/8.
Minh Thu (lược dịch)