Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine 100 máy bay F-15 để đối phó Nga?
Một chuyên gia cấp cao của Mỹ vừa “hiến kế” kêu gọi Washington tăng cường hỗ trợ vũ khí trang bị cho Ukraine trong đó có máy bay F-15 để đối phó với Nga.
Defense Blog" hôm 8/4, đăng tải báo cáo của Stephen Blank - một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ cho biết, Chính quyền Biden phải cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-15 tiên tiến. Dù theo góc độ chiến lược hay dư luận, thì việc này đều có thể mang lại "nỗi đau thực sự" cho Moscow một cách lâu dài.
Theo báo cáo, Ukraine hiện có khoảng 50 máy bay chiến đấu Su-27, đây cũng là lực lượng chủ lực trong số máy bay chiến đấu hạng nặng của Kiev. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30 máy bay trong số này có thể sử dụng để chiến đấu.
Máy bay chiến đấu hạng nặng Su-27 của Ukraine. Nguồn: Huanqiu. |
Stephen Blank tin rằng, giải pháp thay thế duy nhất cho các máy bay chiến đấu Su-27 này là máy bay chiến đấu F-15 do Mỹ sản xuất, và Ukraine cần ít nhất 100 máy bay chiến đấu F-15 để có thể nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng không quân.
Stephen Blank cho biết: "Có thể cung cấp cho Ukraine hơn 100 máy bay chiến đấu F-15, 6 - 8 máy bay cảnh báo sớm E-2C và 12 máy bay tiếp dầu KC-135R, chia sẻ dữ liệu của hệ thống thông tin hình ảnh, âm thanh và tín hiệu số theo thời gian thực Link-16, đạn dược thông minh, tên lửa hành trình và thiết bị trinh sát. Điều này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Moscow, đồng thời có thể giúp Ukraine ngăn chặn bất kỳ kế hoạch xâm lược nào của Nga có thể xảy ra trong tương lai".
Blank cũng cho biết, có nhiều cách để thực hiện kế hoạch tài trợ nhằm cung cấp gói thiết bị phòng không cho Ukraine. Một trong những lựa chọn hiện có là kích hoạt lại máy bay chiến đấu F-15C/D, máy bay cảnh báo sớm E-2C-2000 và máy bay tiếp dầu KC-135R đã bị Mỹ niêm phong và gửi chúng đến Ukraine. Hoặc Mỹ cũng có thể cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu F-15QA hoặc F-15EX mới nhất.
Đề xuất của Stephen Blank không phải là không có căn cứ. Nếu Ukraine có thể gia nhập NATO thì Mỹ hoàn toàn có đủ điều kiện để tăng cường hỗ trợ cho Kiev. Mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi NATO tạo điều kiện để Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này, vài ngày sau khi Nga tăng cường lực lượng gần biên giới 2 nước.
"Gia nhập NATO là cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh ở Donbass", ông Zelensky nhận định với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc điện đàm, đồng thời kêu gọi các thành viên NATO tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đen.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrey Taran cũng nhận định, Kiev là một tiền đồn mạnh mẽ trên sườn phía đông của NATO. "Trong 7 năm qua, Ukraine đã không chỉ bảo vệ mạnh mẽ sự độc lập của mình mà còn cả an ninh và sự ổn định của châu Âu. Các nước thành viên NATO rõ ràng cho thấy họ coi Ukraine là một đối tác bình đẳng".
Tuy nhiên, khả năng NATO có chấp nhận một thành viên mới như Ukraine sẽ không cao, theo các chuyên gia, chấp nhận rủi ro khi NATO tham gia xung đột vì Ukraine là điều mà gần như tất cả các nước thành viên đều không muốn.
Hơn nữa, Nga từ lâu đã phản đối bất kỳ sự mở rộng nào của NATO dù là ở khu vực Kavkaz với các quốc gia như Georgia hay các quốc gia châu Âu có biên giới tiếp giáp với nước này. Thụy Điển và Phần Lan, 2 nước châu Âu láng giềng của Nga, mặc dù rõ ràng là những nước ủng hộ phương Tây nhưng cũng không gia nhập NATO, một phần để tránh gia tăng căng thẳng với Nga.
"Chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp trước những động thái hung hăng gây ra mối đe dọa trực tiếp với Nga", Tổng thống Putin từng khẳng định như vậy trong một cuộc họp cấp cao với các nhà ngoại giao vào giữa năm 2018.
"Những người đang tìm cách đưa các quốc gia, chẳng hạn như Ukraine và Georgia vào quỹ đạo của NATO nên suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra từ một chính sách vô trách nhiệm như vậy", ông Putin cảnh báo vào thời điểm đó.
Mặc dù gần đây Mỹ tăng cường các biện pháp đối phó Nga - đối thủ chính trị truyền thống của nước này nhưng Washington muốn làm giảm căng thẳng ở miền đông Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thì nhắc lại chính sách của Mỹ là ủng hộ một "cánh cửa mở" cho việc gia nhập NATO với những quốc gia đáp ứng được "tiêu chuẩn thành viên". Tuy nhiên, theo ông, Ukraine vẫn phải "thực hiện một số cải cách cần thiết để xây dựng một quốc gia tự do, thịnh vượng, dân chủ và ổn định hơn".
Nga đã bứt phá như thế nào trong cuộc đua UAV giữa các cường quốc?
Hiện nay, Nga là một cường quốc về chế tạo UAV có phần vượt trội so với Mỹ, nhưng ít ai biết rằng công nghệ UAV của Nga có tuổi đời hết sức non trẻ.
Đức Trí (lược dịch)