Mỹ lại hướng ‘mũi giáo’ vào kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Mỹ mới đây đã đề xuất chiến lược khẩn cấp để ngăn chặn việc Trung Quốc phát triển “thần tốc” kho vũ khí hạt nhân của mình.
Fox News của Mỹ ngày 9/6 cho biết, một số lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng hòa trong Ủy ban Vũ trang, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ đã viết thư cho Tổng thống Biden, nội dung thúc giục ông xây dựng một chiến lược toàn diện với sự phối hợp của nhiều cơ quan nhằm ngăn cản việc Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân.
Những vị lãnh đạo này cho rằng, nếu Mỹ không có hành động nào đối với vấn đề này, thì đến năm 2030 Trung Quốc có thể đạt được "một mức độ cân bằng quyền lực hạt nhân nhất định" với Mỹ.
Tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh 18 mới được biên chế cho Hạm đội Nam Hải. Nguồn: Sina. |
Fox cho biết, hãng thông tấn này đã có được nội dung độc quyền của các bức thư, tác giả của bức thư bao gồm thành viên cấp cao của Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ Mike Rogers, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul và thành viên cấp cao của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes.
Trong lá thư, các thành viên này khẳng định: "Chúng tôi viết thư cho ngài hôm nay vì chúng tôi lo lắng về mối đe dọa ngày càng tăng do sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo vũ khí hạt nhân".
Theo báo cáo các Hạ nghị sỹ Mỹ đã nhắc đến tuyên bố gần đây của Charles Richard – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, người có vai trò quan trọng trong lực lượng hạt nhân của Mỹ.
Theo tuyên bố: “Trung Quốc đã điều chuyển một số vũ khí hạt nhân của mình sang trạng thái cảnh báo sớm, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc dự kiến ít nhất sẽ tăng gấp đôi, nếu không muốn nói là gấp ba hoặc gấp bốn lần, trong mười năm tới”.
Bức thư khẳng định, hầu hết các ước tính nguồn mở, bao gồm cả ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ đều cho rằng, số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc triển khai có thể đạt khoảng 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Ngoài ra, theo báo cáo đánh giá mối đe dọa hàng năm do Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haynes đệ trình lên Quốc hội vào đầu năm 2021, Trung Quốc đang triển khai “tài sản hạt nhân chiến tranh Lạnh”, tức là bộ ba vũ khí hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
Kho tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đã đa dạng, phong phú hơn so với trước đây và mức độ sẵn sàng chiến đấu cũng cao hơn nhiều, bao gồm cả tên lửa hạt nhân. Các vũ khí này được Trung Quốc sử dụng để kiểm soát và leo thang căng thẳng trong khu vực, đồng thời đảm bảo khả năng tấn công thứ cấp của tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Đặc biệt, kể từ khi ông Donal Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí, dù là song phương hay ba bên.
Trên cơ sở đó, các thành viên cao cấp này yêu cầu Tổng thống Biden xây dựng một chiến lược toàn diện với sự tham gia của nhiều cơ quan đơn vị để “thúc đẩy” Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí song phương hoặc ba bên một cách thực chất và có ý nghĩa.
Chiến lược này nên bao gồm việc "sử dụng đầy đủ các biện pháp ngoại giao, quân sự, tình báo và các phương tiện khác để đưa Trung Quốc đến bàn đàm phán.
Nội dung bức thư nêu rõ: "Chúng tôi tin rằng ngài cũng đồng ý là thời điểm để kiềm chế sự bành trướng vũ khí của Trung Quốc là bây giờ, không phải sau khi họ triển khai các hệ thống vận chuyển vũ khí mới và mở rộng đáng kể kho vũ khí của mình".
Theo báo cáo mới nhất của Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) công bố hôm 7/6, Trung Quốc chi khoảng 10 tỉ USD để phát triển vũ khí hạt nhân năm 2020, đứng thứ 2 sau 37,4 tỉ USD của Mỹ, và hơn 2 tỉ so với 8 tỉ USD của Nga.
Ngoài ra, Trung Quốc đã chính thức hoàn chỉnh bộ ba vũ khí hạt nhân hiện đại ở khu vực Biển Đông thông qua việc biên chế tàu ngầm hạt nhân Trường Chinh 18 (số hiệu 421) hồi cuối tháng 4/2021. Tàu ngầm này, cùng máy bay ném bom chiến lược H-6K và các cơ sở tên lửa đạn đạo của Trung Quốc bố trí trong đất liền đã tạo thành bộ ba tấn công hạt nhân bao trùm toàn bộ Biển Đông và vươn sang Ấn Độ Dương.
Thổ Nhĩ Kỳ ‘phù phép’ Leopard 2A4 thành tăng kiên cố nhất thế giới
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt lớp giáp xe tăng mới để “độ” cho siêu tăng Leopard 2A4, biến nó trở thành xe tăng có lớp giáp vững chắc nhất thế giới.
Đức Trí (lược dịch)