‘Khắc tinh’ của S-400 phá kỷ lục tầm bắn
Trong các cuộc thử nghiệm gần đây tên lửa Precision Strike Missile (PrSM) được gọi là “sát thủ” của hệ thống phòng không Nga đã bay hơn 400 km, phá kỷ lục tầm bắn trước đó.
Thông tin trên được trang Defense News trích dẫn nguồn tin từ tập đoàn Lockheed Martin cho biết.
Theo đó, các thử nghiệm tương ứng diễn ra tại bãi thử tên lửa White Sands ở New Mexico. Lockheed Martin cho biết, các cuộc thử nghiệm xác nhận các đặc tính đã được tuyên bố của vũ khí, đặc biệt là tầm bắn và độ chính xác, cũng như khả năng tích hợp tên lửa với bệ phóng của Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS).
Tên lửa Precision Strike Missile của Mỹ phá kỷ lục tầm bắn. (Ảnh: Lockheed Martin) |
Defense News cho hay vào năm 2020, tên lửa PrSM đã bay ở các cự ly 240, 180 và 85 km.
Mới đây, vào tháng 4, Breaking Defense đưa tin, quân đội Mỹ đang nghiên cứu khả năng nâng tầm bắn của tên lửa PrSM lên 1.600 km. Theo Breaking Defense, PrSM đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2023.
Trong tương lai, vũ khí này có thể được trang bị động cơ cải tiến mà không cần tăng kích thước của tên lửa. Động cơ mới này cho phép phóng tên lửa từ các phương tiện chiến đấu của HIMARS.
Hiện tại tầm bắn tối đa của PrSM là 499 km, nhưng chỉ số này có thể tăng lên 550 km, do Mỹ và Nga không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ trong Hiệp ước về tên lửa tầm ngắn và tầm trung (SMRMD).
Trước đó, vào tháng 12/2019, Chuẩn tướng Mỹ John Rafferty tuyên bố rằng, trong trường hợp xảy ra chiến sự ở châu Âu, tên lửa đất đối đất PrSM hiện đang được phát triển cho quân đội Mỹ sẽ trở thành “sát thủ” của các hệ thống phòng không Nga (chẳng hạn như tổ hợp S-400 Triumph), trong khi ở Thái Bình Dương, mục tiêu của tên lửa sẽ là tàu chiến Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, dù PrSM được tăng tầm bắn gấp hơn 3 lần nhưng vũ khí này vẫn chưa thể sánh với tên lửa 9M729 của Nga - vũ khí bị Mỹ cáo buộc vi phạm Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) khi hiệp ước này còn hiệu lực.
Tên lửa 9M729 của Nga được biết đến với tên gọi SSC-8 có tầm bắn tối đa đạt 5.500 km. Với tầm bắn như vậy và hành trình bay phức tạp, tên lửa 9M729 của Nga được coi là mối đe dọa với Mỹ mà cả đồng minh châu Âu.
Theo các tài liệu, 9M729 được Nga phát triển và thử nghiệm trong nhiều năm qua, dựa trên phiên bản tên lửa 9M728. Tên lửa 9M729 là phiên bản đặt trên mặt đất của tổ hợp tên lửa hành trình tầm xa trên biển Kalibr-NK, nên nó mang đầy đủ những tính năng kỹ chiến thuật cơ bản của dòng tên lửa này.
9M729 được trang bị hệ điều khiển và dẫn đường dựa trên quán tính với cảm ứng Doppler điều chỉnh góc tấn công theo hệ thống định vị vệ tinh Glonass và GPS. Ở giai đoạn cuối, đầu tự dẫn radar chủ động trên tên lửa sẽ được kích hoạt, tự động tìm kiếm và lao vào tấn công mục tiêu bằng đầu đạn nặng tới 450 kg.
7 loại radar 'khủng' nhất Trung Quốc có gì khiến thế giới tò mò?
Trung Quốc mới đây đã phô diễn các loại radar được cho là hiện đại nhất của mình, bao gồm cả radar đã xuất hiện ở Syria
Thanh Bình (lược dịch)