Iran lập ‘phố tên lửa’ chặn tàu Mỹ ở vịnh Ba Tư
Iran đã xây dựng “phố tên lửa” dọc theo bờ biển Vịnh Ba Tư, hành động này được coi là trực tiếp nhằm vào Mỹ và đồng minh ở Trung Đông.
Tư lệnh Hải quân Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC Navy), Đô đốc Alireza Tangsiri mới đây tuyên bố, Iran đã xây dựng các "phố tên lửa ngầm và gần bờ" dọc theo bờ biển Vịnh Ba Tư và Vịnh Ô-man. Ông nhấn mạnh, Iran có thể định vị chính xác mọi con tàu đi qua eo biển Hormuz.
Tên lửa Iran trong kho ngầm dưới lòng đất. Nguồn: eastday.com. |
Đô đốc Alireza Tangsiri cũng nói rằng, Iran đã trang bị nhiều vũ khí dọc theo bờ biển phía nam dài 2.200 km, Iran sẽ quyết định khi nào sẽ “hiển thị” các “phố tên lửa” này. Giới quan sát cho rằng, "phố tên lửa" là một loại tuyên bố hình tượng hóa, chỉ việc triển khai các giếng phóng tên lửa ngầm và bệ phóng trên biển. Iran đã triển khai một số lượng lớn tên lửa dọc theo Vịnh Ba Tư và Vịnh Ô-man nhằm răn đe các thế lực thù địch trong và ngoài khu vực.
Giới chức quốc phòng Mỹ ước tính Iran sở hữu hơn 2.000 tên lửa đạn đạo và nước này hiện có kho vũ khí tên lửa đa dạng nhất ở Trung Đông, với tầm bắn có thể vươn tới hầu hết các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực này. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Iran hiện đang sở hữu ít nhất 8 loại tên lửa tấn công, với tầm bắn từ 300 đến 2.500 km.
Trong đó đáng gờm nhất là tên lửa hành trình đất đối đất Soumar với tầm bắn hơn 2.500 km. Hầu hết chuyên gia quân sự đều đồng ý Soumar là một phiên bản của tên lửa Kh-55 do Nga sản xuất. Điểm khác biệt duy nhất là Soumar sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn, nên chỉ có thể phóng đi từ mặt đất thay vì trên không như Kh-55.
Thời gian qua, Iran đã nhiều lần bán công khai tuyên bố về các tên lửa của mình được triển khai trên đất liền dọc bờ biển, các tên lửa thường được bố trí trong các hầm chứa dưới lòng đất, các khâu chuẩn bị trước khi phóng được hoàn thành trong các hầm chứa. Ngoài ra, một số tàu chiến của Iran hoạt động ở Vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz cũng được trang bị các bệ phóng tên lửa, biến các con tàu này thành những bệ phóng di động.
Các loại tên lửa của Iran và tầm bắn của chúng. Nguồn: eastday.com. |
Cái gọi là "phố tên lửa" chính là việc triển khai tên lửa quy mô lớn dọc theo Vịnh Ba Tư. Chức năng chính của “phố tên lửa” này là chống lại các hành động thù địch với Tehran ở Vịnh Ba Tư hoặc gần eo biển Hormuz. Iran sở hữu nhiều loại tên lửa với chất lượng tương đối cao và hoàn chỉnh, bao gồm tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo mặt đất… Có thể hình thành khả năng răn đe mạnh mẽ đối với các quốc gia và khu vực xung quanh.
Ngoài việc triển khai hàng loạt tên lửa, Iran cũng đã bố trí 23.000 sĩ quan, binh sĩ và 428 tàu tấn công tốc độ cao ở bờ biển phía Nam, đồng thời khẳng định, các tên lửa tầm xa và các tàu quân sự mới sẽ "vượt quá sức tưởng tượng của kẻ thù". Chuyên gia quân sự Thiệu Vĩnh Linh của Trung Quốc tin rằng, hành động của Iran nhằm răn đe các quốc gia như Mỹ, Israel và Saudi Arabi, nó cũng cho thấy lập trường cứng rắn của Tehran trong việc đối phó với Mỹ và đồng minh.
Trên thực tế, Iran đang đối mặt với áp lực an ninh lớn trên khắp Trung Đông. Quốc gia này phải đối mặt với áp lực quân sự và các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Mỹ. Cùng với đó, Israel thì luôn “quan tâm” đến các cơ sở hạt nhân của Iran và thường xuyên tấn công các căn cứ quân sự của Iran ở nước ngoài, đặc biệt là ở Syria. Về phía Saudi Arabi, Riyadh bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ việc Iran trợ cho các lực lượng vũ trang Houthi.
Trong bối cảnh như vậy, Iran buộc phải tăng cường khả năng răn đe của mình trong khu vực, “phố tên lửa” chính là con át chủ bài để Iran có thể mặc cả với Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Mặc dù chưa biết cụ thể năng lực của “phố tên lửa” Iran, nhưng điều này cũng làm Mỹ và đồng minh không dám hành động một cách “thô bạo” chống lại Iran.
Một số nhà phân tích Trung Quốc tin rằng, biện pháp cảnh cáo này của Iran sẽ vẫn còn hiệu quả trong một thời gian dài. Sức mạnh tên lửa của Iran đã được khẳng định trong nhiều cuộc chiến, quốc gia này đã nhận được một số thiết bị tiên tiến từ phương Tây, Liên Xô và bây giờ là Nga, hơn hết, Iran có thể được coi là “vua bắt chước” trên thế giới, nhiều loại vũ khí mạnh mẽ của các nước tiên tiến đã được Iran “nhái” thành công.
Việc tiến hành đối đầu quân sự với Iran là hành động khá mạo hiểm đối với Mỹ. Iran thực sự có khả năng tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào ở Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, có thể nói trong trường hợp cần thiết, Iran hoàn toàn có đủ năng lực đóng cửa các khu vực này. Nếu sự an toàn của Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz bị đe dọa, nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến một khu vực, mà nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu của toàn thế giới, đây là điều mà Mỹ không thể bù đắp được.
Đức Trí (lược dịch)