Hé lộ chi phí duy trì quân đội Mỹ ở Đức trong 10 năm qua
Tờ Die Welt trích nguồn tin từ Bộ Tài chính Đức cho biết, trong 10 năm qua chính phủ Đức đã chi gần 1 tỉ euro cho việc duy trì quân đội Mỹ.
Hải quân Trung Quốc theo dõi 2 tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông ngay trong tầm quan sát của hải quân Trung Quốc.
Theo đó, phần lớn số tiền này dành cho công việc xây dựng, và phần còn lại là “chi phí cho hậu quả của các hoạt động phòng thủ”. Bao gồm, các khoản thanh toán hỗ trợ cho các cựu nhân viên của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ, bồi thường bảo hiểm thiệt hại do lính Mỹ gây ra và hoàn trả khoản đầu tư của quân đội Hoa Kỳ vào các căn cứ.
Hé lộ chi phí duy trì quân đội Mỹ ở Đức trong 10 năm qua. (Ảnh: Reuters) |
Bộ Tài chính Đức cho biết, 648,5 triệu euro được cấp cho các khoản tài trợ xây dựng, 333,9 triệu euro cho "những công việc" thuộc chi phí quốc phòng.
Tuy nhiên, theo Die Welt, chi phí của Hoa Kỳ cho việc duy trì quân đội của họ cao hơn nhiều lần so với người Đức.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, trong năm qua, Hoa Kỳ đã chi 7.234 tỉ euro, gấp 61 lần so với chi phí năm ngoái của chính phủ Đức. Đồng thời, theo Die Welt, Hoa Kỳ trả nhiều tiền hơn để triển khai quân đội so với những gì Đức chi ra, và các căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức đóng vai trò trung tâm về kinh tế trong khu vực.
“Các căn cứ ở Đức mang lại cho Hoa Kỳ những lợi ích rõ ràng”, tờ Die Welt viết. Với sự hỗ trợ của căn cứ không quân Ramstein, quân đội Mỹ đã triển khai các hoạt động ở Trung Đông và châu Phi, bao gồm Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu (EUCOM) ở Tây Nam thành phố Stuttgart, điểm phối hợp trung tâm cho tất cả lực lượng Mỹ tại 51 quốc gia phần lớn ở châu Âu; hay Trung tâm huấn luyện Grafenwöhr, cơ sở đào tạo lớn nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu...
Trước đó, hôm 15/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ý định cắt giảm 34.500 binh sĩ đóng tại Đức xuống còn 25.000 người, tương đương 25%. Quân số cắt giảm bao gồm một phi đội chiến đấu cơ F-16 và các đơn vị bộ binh hỗ trợ. Được biết, Đức hiện là một trong số “đại bản doanh” lớn nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài, chỉ đứng sau Nhật Bản về quân số.
Một trong những lý do để giải thích cho quyết định cắt giảm quân số này đó là vấn đề chi phí cho việc duy trì hoạt động quân sự của Mỹ ở nước ngoài. Tổng thống Trump thường xuyên than phiền về việc nước Mỹ đã phải bỏ ra ngân sách để bảo vệ các đồng minh NATO.
Ông chủ Nhà Trắng cho rằng Đức từ lâu luôn chi quá ít cho quốc phòng, kém xa mức yêu cầu 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của NATO, nhất là khi hạn cuối vào năm 2024 phải đạt mức này đã sắp đến gần. Dù đã nhiều lần tăng, song đến năm 2019, mức chi tiêu cho quốc phòng của Đức cũng mới chỉ đạt 1,38% GDP. Tổng thống Trump cho rằng Đức nợ NATO quá nhiều và quá lâu, rằng nếu Berlin không chịu trả, Washington sẽ buộc phải tiếp tục rút quân.
Trong khi đó, mới đây Ba Lan bày tỏ mong muốn tài trợ cho việc duy trì quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình. Chính quyền Warsaw cho biết, họ sẵn sàng trả 1,5 đến 2 tỉ USD để triển khai một sư đoàn bọc thép của Mỹ. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đề xuất đặt tên cho căn cứ quân sự của Mỹ ở Ba Lan là “Fort Trump”.
Thanh Bình (lược dịch)