Forbes: Không quân Ukraine khó trụ vững trước xung đột trực tiếp
Forbes nhận định, Ukraine được trang bị các máy bay do Liên Xô sản xuất và số lượng ít hơn đáng kể so với của Nga. Vì vậy, nếu có xung đột trực tiếp Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, chính phủ Ukraine đã nhận thấy điều này và gửi đến Washington lời yêu cầu chuyển giao cho nước này lực lượng phòng không sớm nhất có thể.
Trước đó, Ukraine cáo buộc Nga điều động 90.000 binh sĩ áp sát biên giới Ukraine. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Hanna Malyar, Nga liên tục tăng cường sức ép thông qua điều động vũ khí, quân số ở bán đảo Crimea.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Ukraine đang tăng cường hiện diện quân sự ở Donbass, cả về binh sĩ và vũ khí, trang bị. Hiện có khoảng 125.000 binh sĩ Ukraine đồn trú tại Donbass, tương đương với 50% toàn bộ lực lượng vũ trang của nước này.
Không quân Ukraine có cơ hội nếu Nga ‘động binh’?. (Ảnh: Reuters) |
Forbes viết, “nếu Tổng thống Nga ra lệnh cho những binh lính này tấn công Ukraine, thì đội quân già cỗi và kiệt quệ của Kiev trên thực tế sẽ không thể ngăn chặn được”.
Trên thực tế là Nga có thể huy động hàng trăm máy bay quân sự hiện đại để “răn đe” Ukraine (Su-34, Su-35, MiG-35 và Su-57).
Trong trường hợp đó, Forbes cho rằng các mẫu Su-24, Su-25, Mig-29 và Su-27 mà Ukraine được thừa kế từ Liên Xô sẽ khó có thể chống lại sức mạnh của không quân Nga. Hơn nữa, hầu hết các thiết bị này đã hơn 10 năm tuổi. Trong hơn 30 năm qua, Ukraine đã không mua một máy bay chiến đấu mới nào.
Ngoài ra, tác giả của bài viết lưu ý rằng, các nhà chức trách Ukraine đã biết về tình hình. Họ đề cập về vấn đề này vào năm 2020 trong một tài liệu về triển vọng phát triển của Không quân Ukraine cho đến năm 2035.
Theo đó, chính phủ Ukraine thừa nhận tổ hợp công nghiệp-quân sự quốc gia đang suy thoái. Nhưng đồng thời, ngành công nghiệp quốc gia Ukraine không thể tạo ra tất cả các loại vũ khí cần thiết trong một thời gian ngắn, do đó các nhà chức trách đề xuất mua chúng ở nước ngoài và thu hút các khoản đầu tư tài chính lớn.
Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác đã cung cấp cho Ukraine hàng tỉ USD viện trợ quân sự. Nhưng sự hỗ trợ này không bao gồm máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không.
Thậm chí, Ukraine gần đây quyết định mua một số máy bay không người lái Bayraktar TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Nhưng các chuyên gia cho rằng, điều này sẽ là quá ít đối với hàng trăm máy bay chiến đấu của Nga.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đến Washington vào giữa tháng 11 để được giúp đỡ. Đặc biệt, giới truyền thông nhận được thông tin Anh sẽ cung cấp cho Kiev hệ thống phòng không Patriot. Nhưng giới phân tích quân sự cho biết, trong điều kiện cấp bách, Mỹ nên tập trung vào việc cung cấp các hệ thống nhỏ hơn và đơn giản hơn - như tên lửa Stinger có thể khai hỏa từ trên vai.
Trong tài liệu năm 2020, Ukraine có thể nhận được lô 6-12 máy bay chiến đấu hiện đại đầu tiên vào năm 2023 để bắt đầu một quá trình dài thay thế các máy bay cũ.
“Vì vậy, nếu Nga ‘động binh’ lực lượng không quân Ukraine sẽ tham chiến với các máy bay chiến đấu hiện có. Nhiều người vẫn còn hy vọng rằng chúng có thể cất cánh giữa những đợt ném bom dữ dội”, Forbes viết.
Liên quan đến việc Ukraine cáo buộc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên án việc Tổng thống Vladimir Zelensky đệ trình ra Quốc hội Ukraine dự luật cho phép lực lượng quân đội nước ngoài được hiện diện quân sự trên lãnh thổ nước này, để tham dự các cuộc diễn tập quân sự đa phương trong năm 2022.
Theo quan điểm của Nga, động thái này đi ngược lại tinh thần Thỏa thuận Minsk ký kết hồi năm 2014.
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định hoạt động điều chuyển lực lượng của Nga nằm trong kế hoạch các cuộc diễn tập quân sự được tiến hành trên lãnh thổ nước này, nhằm ứng phó với diễn tập của NATO áp sát biên giới Nga.
Ông Putin nói, đây là hoạt động bình thường, tương tự như việc Mỹ diễn tập quân sự ở Alaska áp sát vùng lãnh thổ Nga.
Bộ Quốc phòng Ukraine ‘đánh tiếng’ muốn NATO hỗ trợ quân sự ở Donbass
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine, nước này đang yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ quân sự ở Donbass.
Thanh Bình (lược dịch)