Cận cảnh máy bay ‘Ngày tận thế’ Boeing E-4B của Mỹ tiếp nhiên liệu
Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây đăng tải video hiếm hoi cho thấy chiếc máy bay “Ngày tận thế” Boeing E-4B được tiếp nhiên liệu trên không.
“Việc tiếp nhiên liệu trên máy bay của E-4B không bao giờ lỗi thời. Kỹ năng nào là cần thiết cho việc này. Các phi hành đoàn đã thực hiện một chuyến bay tuyệt vời”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby viết trên Twitter.
Sau đó, Lầu Năm Góc đã xuất bản một đoạn video ngắn ghi lại quá trình tiếp nhiên liệu của máy bay diễn ra như thế nào và gửi lời cảm ơn tới các phi công.
Máy bay chiến lược Boeing E-4B Nightwatch, được mệnh danh là máy bay “Ngày tận thế”, dùng riêng cho trường hợp chiến tranh hạt nhân, đã được lệnh cất cánh.
Thân của chiếc Boeing E-4B cùng với trang thiết bị của máy bay được bảo vệ đặc biệt để chống lại tác động của một vụ nổ hạt nhân. Cửa sổ và kính buồng lái được che chắn bằng lưới kim loại chống bức xạ.
Hệ thống liên lạc và trung tâm chỉ huy có khả năng chống lại xung điện từ (EMP) do một vụ nổ hạt nhân tạo ra. Đặc biệt, hầu hết thiết bị trên máy bay đều ở trong kỷ nguyên tiền kỹ thuật số, ví dụ không có màn hình cảm ứng kỹ thuật số trong buồng lái hoặc những nơi khác.
Chiếc Boeing E-4B được trang bị khoảng 67 đĩa vệ tinh và ăng-ten đóng vai trò như một “trung tâm chỉ huy trên không” dành cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Boeing giới thiệu loại máy bay này lần đầu tiên vào năm 1974. Kể từ đó, nó liên tục được nâng cấp và dự kiến “nghỉ hưu” vào năm 2039.
Trước đó, theo nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp - quân sự Nga, Lực lượng không quân vũ trụ Nga được cho là sẽ nhận hai máy bay “Ngày tận thế”, được chế tạo dựa trên máy bay Il-96-400M.
Theo đó, một nhà máy tại Voronezh, Nga bắt đầu triển khai chế tạo máy bay chỉ huy quân đội trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân trên cơ sở máy bay thân rộng Il-96-400M, trong một Dự án có tên “Zveno-3S”.
Máy bay Il-96-400M sẽ thay thế loại máy bay Ilyushin Il-80 Maxdomes hiện có, được chế tạo trên cơ sở máy bay Il-86. Il-80 vốn được sử dụng như một trung tâm chỉ huy trên không trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Phạm vi bay của Il-96-400M loại mới sẽ tăng gấp đôi so với mẫu máy bay tiền nhiệm.
Theo nguồn tin này, trong tương lai không loại trừ khả năng sẽ thiết lập đài chỉ huy trên không thứ ba.
Tổ hợp liên lạc vô tuyến của máy bay sẽ giúp nó truyền đạt mệnh lệnh cho lực lượng hạt nhân chiến lược, bao gồm cả lực lượng không quân chiến lược, hầm phóng và bệ phóng di động, tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân chiến lược hoạt động trong bán kính 6.000 km.
Thanh Bình (lược dịch)