Quân đội Trung Quốc mạnh tới cỡ nào?
Theo CNN, quân đội Trung Quốc hiện có tới hơn 2,3 triệu quân thường trực gồm 1,6 triệu thuộc lục quân, 235.000 thuộc hải quân, 398.000 thuộc không quân và 100.000 thuộc lực lượng tên lửa. Ngoài ra còn gần 1 triệu quân dự bị.
Bắc Kinh cũng đang dùng một số tiền khổng lồ để hiện đại hóa và phát triển quân đội. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn tăng hơn 10 % mỗi năm trong hai thập kỉ qua. Năm 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là 140 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ.
Bên cạnh việc mua những hệ thống vũ khí hiện đại, quân đội Trung Quốc còn tăng cường nghiên cứu, phát triển và tự chế tạo các loại vũ khí như máy bay ném bom tàng hình cùng nhiều loại tên lửa đạn đạo.
Từ những năm 1960, Trung Quốc đã bắt đầu theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Gần đây, Trung Quốc được cho đã phát triển thành công tên lửa nhiều mục tiêu độc lập (MIRV), một loại tên lửa thường mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân khác nhau, mỗi đầu đạn sẽ được thiết lập cho một mục tiêu.
Quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễu binh gần đây. Ảnh Getty Images. |
Hôm 3/9, tờ Los Angeles Times dẫn lời của ông Roger Cliff, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương cho hay, Trung Quốc có những hệ thống vũ khí mới có thể so sánh với các loại vũ khí của quân đội Mỹ như xe tăng M-1, chiến đấu cơ F-16 và các loại tàu khu trục.
Trong khi đó, các loại vũ khí này của Mỹ đều không còn mới, chúng bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980, 1990 và không có bước phát triển đột phá nào bởi Mỹ quá bận rộn với các cuộc xung đột ở Trung Đông trong thập kỷ qua.
Ông Cliff dự đoán, dù hiện các trang thiết bị vũ khí của Trung Quốc chưa thể sánh kịp với Mỹ, nhưng nếu Mỹ không hiện đại hóa quân đội thì khoảng cách này sẽ bị thu hẹp với tốc độ ngày càng lớn.
Hơn nữa, ông Cliff còn cho hay, ông ngạc nhiên với chất lượng của các binh sĩ Trung Quốc. Ông nhận định, quân đội Trung Quốc đang tạo ra những binh sĩ có chất lượng ngày càng cao và hiện đang ngang ngửa với binh sĩ Mỹ.
Ngoài ra, theo CNN, quân đội Trung Quốc còn tăng cường khả năng tấn công mạng, nhằm vào hệ thống máy tính của các quốc gia khác để ăn cắp những thông tin, dữ liệu quân sự và thương mại bí mật, phục vụ cho lợi ích của nước này.
Gần đây, Trung Quốc được cho đã phát triển thành công tên lửa nhiều mục tiêu độc lập (MIRV). |
Dù vậy, theo ông Cliff, mặc dù khi đánh giá về khả năng quân sự của một quốc gia, chúng ta thường chú ý tới các yếu tố vật chất như số lượng binh sĩ và các trang thiết bị vũ khí, nhưng lịch sử đã chứng minh, đó không phải là yếu tố quyết định đến kết quả của một cuộc chiến. Những yếu tố quan trọng hơn là cách thức tổ chức và đào tạo quân đội.
Quân đội Mỹ sử dụng DOTMLPF, một bộ tiêu chí để đánh giá quân đội gồm học thuyết, cơ cấu tổ chức, cách thức đào tạo, trang thiết bị, giới lãnh đạo, khả năng của các binh sĩ và cơ sở vật chất.
Ông Cliff nhận định, trong số những tiêu chí trên, quân đội Trung Quốc đang gặp vấn đề lớn là sự bất đồng giữa cơ cấu tổ chức và học thuyết quân sự.
Từ năm 1999, quân đội Trung Quốc áp dụng một học thuyết mới, tập trung vào khả năng cơ động và linh hoạt của quân đội, tấn công điểm yếu của đối phương và tránh một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp. Học thuyết này phù hợp với bối cảnh thời điểm đó khi Trung Quốc vẫn còn thua kém khá xa các đối thủ tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản về công nghệ và trang thiết bị quân sự.
Xe tăng ZTZ-99A, xe tăng hiện đại nhất của Lục quân Trung Quốc. |
Tuy nhiên, ông Cliff cho rằng, vấn đề là cơ cấu hoạt động của quân đội Trung Quốc không phù hợp để áp dụng một học thuyết như vậy. Theo ông, nếu theo đuổi học thuyết tập trung vào khả năng cơ động và tránh đụng độ trực tiếp, Trung Quốc cần một tổ chức được phân cấp, chứ không phải chuẩn hóa, để những người ở cấp thấp có thể ra quyết định dựa vào tình hình họ đang gặp phải chứ không phải tuân theo một quy trình tiêu chuẩn.
Trong thực tế, cách thức tổ chức của quân đội Trung Quốc đi ngược với học thuyết đó bởi nó có sự tập trung cao độ, tất cả các quyết định đều phải được các cấp trên thông qua. Không ai dám thực hiện những sáng kiến, không ai dám chịu trách nhiệm. Mọi thứ đều được chuẩn hóa cao và tất cả đều phải tuân thủ các quy trình tiêu chuẩn.
Nếu muốn theo đuổi học thuyết trên, quân đội Trung Quốc cần một tổ chức coi trọng các sáng kiến và đổi mới, sự sáng tạo và sẵn sàng đối đầu với rủi ro thay vì kỉ luật và sự trung thành. Với cơ cấu hoạt động đó, Trung Quốc sẽ không thể áp dụng được một học thuyết yêu cầu các chỉ huy trên chiến trường phải đưa ra những quyết định nhanh chóng để ngay lập tức tận dụng các cơ hội thay vì để chúng qua đi.
Ông cho rằng, đây là một trong những điểm yếu lớn nhất của quân đội Trung Quốc, khiến nó còn xa mới bắt kịp được quân đội Mỹ.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc đang phụ thuộc lớn vào lính nghĩa vụ. Phần lớn lính nghĩa vụ sẽ chỉ ở trong quân đội khoảng hai năm rồi xuất ngũ. Do vậy, tại bất kì thời điểm nào, tỷ lệ lính mới chỉ có một hoặc hai năm trong quân đội rất lớn. Theo ông Cliff, đây cũng là một vấn đề đáng chú ý của quân đội Trung Quốc mặc dù bù lại, các hạ sĩ quan cấp cao được đào tạo tương đương hoặc tốt hơn so với các hạ sĩ quan cấp cao ở phương Tây.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ CNN, một trong những kênh thông tin của Mỹ uy tín nhất thế giới và trang điện tử của tờ Los Angeles Times, một nhật báo được xuất bản tại Los Angeles, California và được phân phối ở khắp miền Tây nước Mỹ.