Quân đội Mỹ hoàn thành rút khỏi Afghanistan, hàng trăm người bị bỏ lại
Tướng Mỹ thừa nhận, quân đội nước này đã hoàn toàn rút khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến, nhưng hàng trăm công dân Mỹ vẫn chưa thể về nước.
Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ CENTCOM, Tướng Kenneth McKenzie tuyên bố quân đội Mỹ đã hoàn thành quá trình rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến vào ngày 30/8. Tuy nhiên, ông McKenzie thừa nhận hàng trăm công dân Mỹ vẫn chưa được rời khỏi quốc gia Trung Á này.
Phát biểu tại Nhà Trắng, Tướng McKenzie đã lên tiếng ca ngợi sự hỗ trợ của Taliban đối với quá trình Mỹ rút quân.
Quân đội Mỹ hoàn thành rút quân khỏi Afghanistan và mang theo nhiều vũ khí về nước. (Ảnh: CENTCOM) |
“Họ đã rất hỗ trợ và có ích trong quá trình chúng tôi gần kết thúc sứ mệnh”, RT dẫn lời Tướng McKenzie.
Cũng theo ông McKenzie, Taliban đã hỗ trợ Mỹ đảm bảo an ninh ở sân bay Kabul “dù không hoàn hảo, nhưng họ đã có những nỗ lực rất tốt và chuyện này thực sự có ý nghĩa hỗ trợ lớn với chúng tôi ở đó cho tới cuối cùng”.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ vì gây ra sự hỗn loạn trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan. Đỉnh điểm là vụ tấn công khủng bố nhằm vào sân bay Kabul vào đêm tối ngày 26/8 khiến hàng trăm người dân Afghanistan cùng 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Đáng nói, ngoài việc hàng trăm công dân Mỹ vẫn chưa được sơ tán khỏi Afghanistan, Mỹ còn để lại hàng ngàn người Afghanistan từng làm việc cùng. Những công dân Afghanistan này có thể bị Taliban hoặc các tay súng ISIS-K, chi nhánh của mạng lưới khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hoạt động ở Afghanistan, trả thù.
Cũng theo ông McKenzie, giới chức quân sự Mỹ tin rằng bất cứ vụ tấn công nào xảy ra giữa lúc quân đội Mỹ triển khai những nỗ lực rút quân cuối cùng là do ISIS-K tiến hành, chứ không phải là lực lượng Taliban.
Ông McKenzie thừa nhận vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ nhằm vào các tay súng khủng bố ISIS-K hôm 29/8 đã khiến 10 dân thường thiệt mạng bao gồm 7 trẻ em. Theo ông McKenzie, vụ không kích đã ngăn chặn ISIS-K chỉ vài phút trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố.
Người đứng đầu CENTCOM nhấn mạnh thêm, ISIS-K là một “lực lượng hiếu chiến” với ít nhất 2.000 “tay súng tinh nhuệ” và sẽ tạo ra nhiều thách thức cho Taliban. Do đó, Taliban sẽ đối mặt với hậu quả khi thả tự do cho hàng trăm tay súng khủng bố ISIS-K đang bị giam giữ trong các nhà tù.
Ông McKenzie khẳng định, quân đội Mỹ đã hy vọng có thể sơ tán thêm công dân nước này vào những giờ phút cuối cùng trước khi chiếc máy bay cuối cất cánh, nhưng không có công dân nào của Mỹ có thể đến được sân bay Kabul.
Tư lệnh Sư đoàn Không vận số 82 Christopher Donahue và đại sứ Mỹ ở Afghanistan Ross Wilson là 2 người cuối cùng bước chân lên chiếc máy bay cuối rời khỏi Afghanistan. Nhưng 5 chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời khỏi Afghanistan đã không đón thêm được bất cứ công dân Mỹ nào.
Ông McKenzie cho rằng, dù Mỹ có ở lại thêm 10 ngày cũng không thể sơ tán hết những người muốn rời khỏi Afghanistan.
Chính quyền của Tổng thống Biden cũng đã hứa sử dụng “tầm ảnh hưởng” đối với Taliban để yêu cầu lực lượng này đảm bảo những người Mỹ còn đang ở lại Afghanistan và các công dân Afghanistan là đồng minh của Mỹ sẽ được phép rời khỏi quốc gia Trung Á.
Theo Tướng McKenzie, quân đội Mỹ đã cho vô hiệu hóa các loại vũ khí và thiết bị bỏ lại ở Afghanistan, nhưng Mỹ cũng đã để lại 5 máy bơm cứu hỏa và một vài thiết bị khác tại sân bay Kabul để hỗ trợ các chuyến bay dân sự ở đây có thể được nối lại trong thời gian sớm nhất.
Chuyên gia lý giải tại sao IS bất ngờ tấn công khủng bố ở Kabul
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định ISIS-K, chi nhánh của nhóm khủng bố IS, tấn công ở thủ đô Kabul để ngăn Taliban hợp tác với Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)