Quân đội Cuba tập trận chống Mỹ tấn công
“Các đơn vị quân đội trên toàn quốc đã bắt đầu cuộc tập trận vào cuối tuần này để chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ Cuba. Cuộc tập trận này sẽ có sự tham gia của cả lực lượng quân đội và nhân dân”, tờ Prensa Latina của Cuba cho biết.
Cũng theo tiết lộ của tờ báo chính thống của nhà nước Cuba này, tham dự cuộc tập trận còn có các đơn vị quân đội ở tỉnh Camaguey miền Đông Cuba, lực lượng đang đóng ở thành phố Matanzas miền Trung và một đơn vị ở Artemisa ngoại ô thủ đô Havana.
Prensa Latina trích lời của các quan chức chính phủ Cuba cho rằng những hoạt động quân sự này là cần thiết để sẵn sàng đáp trả những hành vi liên tục quấy rối, khiêu khích của Mỹ đối với nước này trong thời gian qua.
Cuba và Mỹ đã chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao từ năm 1961 và cũng kể từ năm 1962, đất nước ở “sát nách” Mỹ này đã phải gánh chịu rất nhiều những lệnh cấm vận, bao vây kinh tế, thương mại.
Hồi tháng 11/2009, quân đội Cuba cũng đã tổ chức một cuộc diễn tập rất lớn với sự tham gia của gần như toàn bộ các binh chủng, quân chủng.
Mới đây (ngày 28/1/2013), Cuba đã chính thức nhậm chức Chỉ tịch luân phiên của Tổ chức Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) trong nhiệm kỳ 2013. Giới phân tích chính trị tại Mỹ Latinh cho rằng đây là bằng chứng chứng tỏ sự thất bại nặng nề của các chính sách thù địch mà Mỹ vẫn đang tiến hành đối với Cuba, đồng thời khẳng định tầm ảnh hưởng và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước này với cộng đồng khu vực.
Theo giáo sư Arturo Lopez của trường ĐH Denver (Mỹ), đến nay tất cả các nước ở tây bán cầu (ngoại trừ Mỹ) đều đã có quan hệ với Cuba và họ cũng kịch liệt phản đối chính sách bao vây, cấm vận mà Washington áp đặt với nước này từ năm 1962. Ông Lopez khẳng định, việc trở thành Chủ tịch của CELAC sẽ đưa hình ảnh của chủ tịch Raul Castro và đất nước Cuba lên tầm cao mới với tư cách là thủ lĩnh của khu vực và đó là cái giá khá đắt mà Mỹ phải trả cho chính sách nhằm cô lập Cuba trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Kể từ năm 2009, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã chính thức bãi bỏ nghị quyết khai trừ Cuba và theo đó là việc tất cả các nước Mỹ Latinh từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba từ năm 1962 đến nay (do sức ép của Mỹ) đều đã lần lượt tái thiết quan hệ hoàn toàn với nước này.
Tháng 4/2012, tất cả các nước Mỹ Latinh và Caribe đã lên tiếng yêu cầu cho phép Cuba tham gia Hội nghị thượng đỉnh OAS tại Cartagena (Colombia) nhưng đề xuất này không được Mỹ và Canada công nhận dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử OAS đã không đưa ra được thông cáo chung.
Nhà phân tích chính trị Lopez Levy bình luận, ở thời điểm hiện tại, việc thể hiện vai trò đầu tàu trong khu vực của Chủ tịch Raul Castro đã cho thấy các chính sách ngoại giao khôn khéo và rất thành công của ông kể từ khi kế nhiệm chủ tịch Fidel Castro.
“Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó cho thấy chính sách cô lập Cuba của Mỹ đã lỗi thời và sớm muộn cũng sẽ phải chấm dứt”, Lopez Levy nhấn mạnh.
Một số hình ảnh về quân đội Cuba
Một lính đặc nhiệm của Cuba đang ngụy trang sẵn sàng chiến đấu trong cuộc diễn tập quân sự hồi tháng 11/2009. |
Tên lửa phòng không SAM - 3 và xe tăng T-55 của Cuba |