Phương án điền vào “ô trống” giáo viên khi cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh
“Trường mầm non có thể tìm giáo viên hợp đồng” là ý kiến của ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) về thắc mắc nếu các trường triển khai cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh thì lấy giáo viên ở đâu.
Những ngày qua, dự thảo về việc cho trẻ mầm non từ 3 tuổi làm quen với tiếng Anh đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh.
Nhiều người cho rằng việc cho trẻ sớm tiếp xúc với tiếng Anh thì càng tốt để các con có cơ hội thành thạo ngôn ngữ thứ 2 nhưng cũng không ít người băn khoăn việc này liệu có phù hợp tâm lý lứa tuổi, đặc biệt là với những trẻ 3 tuổi còn đang gặp khó khăn với tiếng Việt. Vấn đề quan trọng nữa là các trường mầm non không có giáo viên cơ hữu tiếng Anh thì phải làm gì.
Nếu thiếu giáo viên tiếng Anh, trường mầm non có thể tìm giáo viên hợp đồng? (ảnh minh họa) |
Theo cô Phạm Phương Anh (Thạc sĩ tâm lý ĐH Sư phạm Hà Nội), xét về tâm lý lứa tuổi, nếu phát triển bình thường thì đa số trẻ ở độ 2,5-3 tuổi đã có thể nói khá tốt thậm chí nói được câu dài 5-6 từ.
“Ở độ tuổi này, não bộ của các bé cũng phát triển rất mạnh và là giai đoạn tốt để học ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc dạy ngôn ngữ thứ 2 ở giai đoạn này rất nhạy cảm, yêu cầu phải chuẩn chương trình và quan trọng nhất là người dạy phải chuẩn phát âm.
Nếu triển khai cho trẻ mầm non tiếp xúc với tiếng Anh thì có được đội ngũ giáo viên người bản ngữ là tốt nhất. Bởi lẽ, nếu thầy cô chỉ ở trình độ “bập bõm” trong giao tiếp tiếng Anh mà dạy cho trẻ thì sẽ phá hỏng cả một quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ sau này. Giống như ta chữa ngọng cho trẻ, sẽ rất mất thời gia và công sức.
Tôi biết hiện nay các trường mầm non đều không có giáo viên nên ta có thể thuê giáo viên hợp đồng là giáo viên bản ngữ, tất nhiên phải đáp ứng yêu cầu giáo dục.
Ở giai đoạn thử nghiệm có thể một quận tìm vài giáo viên sau đó chia tiết dạy ở các trường khác nhau là hợp lý. Hoặc áp dụng đại trà thì phải có lộ trình dài hơi đào tạo giáo viên từ trong các trường sư phạm”, cô Phương Anh cho hay.
Cũng theo cô Phương Anh, giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non có tính đặc thù lớn nên ngoài việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh, giáo viên phải nắm bắt được đặc điểm tâm lý lứa tuổi của các con để có điều chỉnh phù hợp.
“Có thể chia học sinh thành các nhóm nhỏ chứ không nhất thiết phải dạy theo lớp. Học sinh nào phát triển ngôn ngữ hay còn gọi là hoạt ngôn thì đưa vào một nhóm. Cùng độ tuổi nhưng tôi chắc chắn sẽ có những học sinh chậm nói, khả năng dùng ngôn ngữ để diễn tả kém hơn thì ta chia thành nhóm khác.
Tức là kể cả chỉ ở mức độ cho trẻ nhận biết tiếng Anh nhưng mình phải giáo dục hướng đến từng đối tượng cụ thể, nắm bắt đặc trưng tâm lý lứa tuổi để giáo dục sát sao, thực tế chứ không phải dạy kiểu cưỡi ngựa xem hoa”, cô Phương Anh nói.
Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong xu thế hội nhập, đặt ra yêu cầu về 2 công cụ quan trọng cho công dân toàn cầu là ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Trong đề án về đổi mới toàn diện căn bản giáo dục cũng đã đặt ra yêu cầu cho trẻ mầm non tiếp cận với ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
“Việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh không phải bây giờ mới có mà từ năm 2014 đã được đưa vào thí điểm nhưng mới chỉ dừng lại ở mức là ở đâu có điều kiện thì có thể tổ chức cho các cháu làm quen với ngoại ngữ, trong đó có một số quy định về chương trình, phương pháp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để các địa phương và các cơ sở giáo dục tổ chức, đáp ứng yêu cầu xã hội và chuẩn bị cho sự phát triển tương lai của các công dân toàn cầu”, ông Minh cho hay.
Ông Minh cũng cho biết thêm, việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh hiện nay ở nhiều địa phương còn đang lúng túng chưa biết triển khai ra sao dù đã đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, do đó Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo chương trình làm quen với tiếng Anh mẫu giáo để lấy ý kiến dư luận.
“Các địa phương chưa rõ việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh như yêu cầu cần đạt là gì, tổ chức như thế nào, yêu cầu giáo viên ra sao… thì việc ban hành dự thảo sẽ giải quyết những vấn đề trên của các địa phương.
Tinh thần của dự thảo quy định này là không áp đặt, không phải tất cả đều phải triển khai, mà chỉ áp dụng cho những cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng được yêu cầu thực hiện. Nếu giáo viên cơ hữu không thể dạy, các trường có thể tìm giáo viên hợp đồng. Nhưng quan trọng phải có giáo viên đáp ứng được yêu cầu, có cơ sở vật chất và công tác quản lý tổ chức phù hợp”, ông Nguyễn Bá Minh nói.
Hoàng Thanh