Dạy trẻ làm quen tiếng Anh từ 3 tuổi: Trường công khó hơn nhiều lần trường tư?
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Theo dự thảo, chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện để trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa. Chương trình chỉ thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định và sự tự nguyện của gia đình trẻ…
Ngay sau khi dự thảo được công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, đa số đều lo lắng việc dạy tiếng Anh cho trẻ từ 3 tuổi liệu có thể thực hiện được không? Điều này có gây cản trở các năng lực khác của trẻ? Khi áp dụng đại trà cần lưu ý điều gì?
Nhiều ý kiến băn khoăn về việc dạy trẻ làm quen tiếng Anh từ 3 tuổi. |
Liên quan đến vấn đề này, chị Trần Ái Minh (Hà Nội) có con đang học trường mầm non cho rằng: “Đưa tiếng Anh vào dạy ở bậc mầm non cần hết sức thận trọng vì thực tế nhiều đứa trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ, 3 tuổi nhưng chưa nói rõ được tiếng mẹ đẻ chứ nói gì đến tiếng Anh.
Nếu áp dụng đồng loạt mà không có nghiên cứu rõ ràng tôi lo sẽ hạn chế đi những năng lực khác của trẻ. Rõ ràng, nếu tiếng mẹ đẻ các em nói chưa tốt mà bắt các em học tiếng Anh thì rất áp lực.
Theo tôi, tiếng Anh chỉ nên dừng lại ở mức độ cho các cháu nhận biết, làm quen như hiện nay một số trường tư thục đang làm thôi chứ không nên đặt ra mục tiêu học hành quá nặng”.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lo lắng việc đưa tiếng Anh vào trường mầm non sẽ lại nở rộ việc các trường liên kết với trung tâm ngoại ngữ, thêm gánh nặng học phí cho phụ huynh. “Tôi lo nhất là học tiếng Anh cho trẻ 3 tuổi trên danh nghĩa tự nguyện nhưng mỗi nơi thu mỗi kiểu do liên kết với các trung tâm khác nhau. Rồi giáo viên ở trung tâm thì ta khó kiểm soát được trình độ cũng như kỹ năng sư phạm.
Có thể giáo viên ở trung tâm rất giỏi ngoại ngữ nhưng lại không có kỹ năng sư phạm, họ cũng không có quá nhiều trách nhiệm ràng buộc với học sinh…”, anh Hùng Minh - phụ huynh có con đang học mầm non tại Hà Nội chia sẻ.
Còn theo bà Trần Thị Hương – Người sáng lập thương hiệu mầm non Ecokids (Hà Nội) thì việc triển khai dạy tiếng Anh ở cơ sở giáo dục mầm non công lập sẽ khó khăn hơn nhiều lần so với hệ thống trường tư.
“Ở trường tư, chúng tôi có giáo viên tiếng Anh chuyên dạy cho lứa tuổi đặc thù và việc tuyển chọn giáo viên cũng rất khắc nghiệt để có những giáo viên thực sự có trình độ. Theo tôi biết hiện nay ở đa số các trường công không có biên chế cho giáo viên tiếng Anh”, bà Hương cho hay.
Theo bà Hương, ngay cả dạy tiếng Anh cho trẻ theo hình thức dạy tích hợp nhưng cũng cần những giáo viên có trình độ thực sự.
“Hiện nay đa số giáo viên mầm non biên chế chuyên trách đứng lớp trong các trường công lập trình độ tiếng Anh chỉ ở mức “a,b,c” chứ tôi không muốn nói là gần như không có trình độ để giảng dạy được cho học sinh.
Nếu nói khi dự thảo ban hành chính thức ta sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên mầm non để dạy được tiếng Anh, theo tôi việc này là không thể. Bởi lẽ, để dạy được tiếng Anh cần một quá trình học tập và rèn luyện dài chứ không phải tập huấn vài buổi hay vài cuốn giáo trình là có thể dạy được”, bà Hương trăn trở.
Hoàng Thanh