Phú Yên ưu tiên nuôi trồng thuỷ hải sản phát triển bền vững
Theo kế hoạch trong chiến lược phát triển kinh tế biển, tỉnh Phú Yên đã đưa ra các kế hoạch cơ cấu và mục tiêu phát triển đối với ngành nuôi trồng thuỷ hải sản.
Để phát triển thế mạnh của nghề khai thác và chế biến thủy, hải sản, Phú Yên đã thành lập 8 nghiệp đoàn nghề cá, 116 tổ đội sản xuất trên biển với 861 tàu cá với 7.530 lao động tham gia, cùng với đó là 13 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.612 người tham gia. Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư 2 khu neo đậu tránh trú bão là Vịnh Xuân Đài và Đầm Cù Mông. Hiện đang triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác.
Tuy nhiên, Tỉnh Phú Yên tiếp tục đưa ra Kế hoạch tái cơ cấu ngành thủy sản đến 2025 và tầm nhìn đến 2030, tập trung vào những mục tiêu chính sau:
Về nuôi trồng
Điều chỉnh diện tích nuôi trồng thủy sản khu vực đầm Ô Loan với mật độ tỷ lệ phù hợp (15-20%), đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường, phát huy giá trị thắng cảnh, phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững và giải quyết sinh kế cho người dân trong khu vực; đầu tư trồng rừng ngập mặn toàn tỉnh khoảng 250 ha, trong đó tại đầm Ô Loan khoảng 50 ha để phục hồi hệ sinh thái môi trường.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu: điện, kênh mương thủy lợi để chuyển đổi một số vùng nuôi, với diện tích 156 ha, trong đó tại hạ lưu sông Bàn Thạch, huyện Đông Hòa là 126 ha sang nuôi tôm công nghệ cao.
Bổ sung quy hoạch vùng biển hở khoảng 1.000 ha thị xã Sông Cầu và 10 ha trên bờ để phát triển nuôi biển công nghiệp, giảm dần lồng bè nuôi tôm hùm trong vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Sau năm 2030, không tiếp tục quy hoạch các vùng nuôi tại phường Xuân Yên, Xuân Đài và Xuân Thành nhằm giảm áp lực về môi trường vịnh và ưu tiên phát triển du lịch, đô thị.
Các huyện, thị xã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, đến cuối năm 2020 hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất và cập nhật vào quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, trên cơ sở đó, tổ chức giao, cho thuê đất, mặt nước cho tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng nuôi, cơ sở nuôi; quản lý chặt chẽ chất lượng thủy sản nuôi và môi trường vùng nuôi trồng thủy sản.
Phối hợp với các Bộ, ngành trung ương và các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nuôi tôm hùm trong bể, trên bờ; nuôi lồng công nghiệp ở vùng biển hở; sử dụng thức ăn công nghiệp cho tôm hùm thay thế dần thức ăn tươi sống để giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi và góp phần tình trạng khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ.
Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh: tôm thẻ chân trắng, tôm hùm và sảm phẩm đặc hữu, riêng có: sò huyết Ô Loan, chình bông.
Ưu tiên phát triển nuôi trông thuỷ hải sản phát triển bền vững. |
Về khai thác thủy sản
Phát triển đội tàu khai thác thủy sản vùng khơi theo đúng hạn ngạch tàu cá vùng khơi được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp cho tỉnh. Tổ chức thành các tổ đội sản xuất, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, chuỗi liên kết để gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững; gắn khai thác thủy sản với bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Xây dựng, phát triển mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ, theo đó trao quyền cho cộng đồng quản lý vùng nước, khai thác và nuôi trồng thủy sản bền vững, tham gia bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản.
Đến năm 2030, nâng công suất nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên 23.500 tấn thành phẩm/năm.
Đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, đa dạng mặt hàng, thị trường chính ngạch, đảm bảo đến năm 2030 sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt gia trị kim ngạch 140 triệu USD/năm.
Về dịch vụ hậu cần nghề cá
Ưu tiên đầu tư nâng cấp, xây mới các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá theo quy hoạch, đến năm 2030 đáp ứng cơ bản năng lực dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng hiện đại, gồm: 01 cảng cá loại I, 03 cảng cá loại II và 07 cảng cá loại III; 05 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và một số cơ sở đóng mới, cải hoán, sửa chữa tàu cá từ loại III đến loại I, bao gồm: tàu vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới và vỏ thép, chiều dài trên 15m.
Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá, đến năm 2030 toàn bộ tàu cá từ 12 m trở lên đều gắn thiết bị giám sát hành trình kết nối vệ tinh, khoảng 70% tàu cá dài trên 15m khai thác thủy sản vùng khơi có áp dụng công nghệ dò cá, đánh bắt và bảo quản thủy sản trên tàu hiện đại, cơ giới hóa việc thu thả lưới.
Đến năm 2030, nâng công suất nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên 23.500 tấn thành phẩm/năm. Đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, đa dạng mặt hàng, thị trường chính ngạch, đảm bảo đến năm 2030 sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt gia trị kim ngạch 140 triệu USD/năm.
Khánh Chi