Phong trào Chữ thập đỏ cảnh báo về 'ba mối đe dọa lớn' ở Đông Phi
Theo Independent, người dân Đông Phi đang phải đối mặt với nạn đói và bệnh tật do hậu quả của ba cuộc khủng hoảng cùng một lúc là sự lây lan của Covid-19, lũ lụt và sự xâm chiếm của châu chấu.
Truyền thông phương Tây nói về thành công của Nhật Bản trong đại dịch Covid-19
Bất chấp những dự báo bi quan của các chuyên gia, Nhật Bản đã đạt thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, The Guardian nhận định.
Theo đó, mặc dù thực tế là Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã phân bổ 5,9 triệu bảng Anh cho khu vực này, nhưng dự kiến tình hình của người dân nơi đây vẫn có thể vẫn trở nên phức tạp trong thời gian tới.
Người dân Đông Phi đối mặt ba mối đe dọa cùng một lúc. (Ảnh: Reuters) |
Hàng trăm ngàn người dân Đông Phi có nguy cơ chết đói và bệnh tật do hậu quả của “mối đe dọa tay ba” đối với các khu vực, The Independent trích dẫn các báo cáo của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cho biết.
Theo công bố, các nước Đông Phi đã buộc phải thực hiện các biện pháp phòng chống để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào khu vực cùng với lũ lụt và sự xâm chiếm của châu chấu đã khiến cho các quốc gia Đông Phi gặp vô vàn khó khăn.
Ngoài ra, ở Kenya, Somalia và Rwanda, lũ lụt đã khiến khoảng nửa triệu người phải rời bỏ nhà cửa, hàng trăm người thiệt mạng. Cùng với đó là "đại dịch" châu chấu được coi là lớn nhất trong những thập kỷ gần đây, hàng trăm tỉ con châu chấu xâm chiếm phá hủy mùa màng và đất nông nghiệp, “tước đoạt” nguồn lương thực, thu nhập của người dân.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) chỉ ra rằng, làn sóng châu chấu đầu tiên bắt nguồn từ Bán đảo Ả Rập và lan sang Đông Phi đã phá hủy 30% đồng cỏ của Kenya. Nếu dịch châu chấu không thể kiểm soát một cách hiệu quả, đến tháng 6, toàn bộ dân số Đông Phi phải đối mặt với các vấn đề an ninh lương thực.
Để chung tay với các nước ngăn chặn nạn châu chấu, FAO đã gây quỹ, kêu gọi được số tiền lên tới 153 triệu USD. Cho đến hiện tại, tổ chức này đã nhận được 111 triệu USD tiền mặt hoặc cam kết.
“Tình hình ngày càng trầm trọng thêm bởi các mối đe dọa từ lũ lụt, cộng thêm dịch Covid-19 và cuộc xâm chiếm của châu chấu”, ông Simon Missiri, giám đốc Liên đoàn Chữ thập đỏ quốc tế và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ tại khu vực châu Phi nói.
Theo ông Missiri, các biện pháp hạn chế du lịch và di chuyển nhằm làm chậm sự lây lan dịch bệnh đang cản trở nỗ lực chống các đàn châu chấu tàn phá mùa màng. Lũ lụt cũng làm gia tăng sự lây lan virus vì khó có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong tình hình như vậy.
Ông Missiri cho biết thêm, người dân ở Đông Phi đang phải đối mặt với các tình huống khó khăn. Theo thông báo trước đó, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã gửi 5,9 triệu bảng Anh đến Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Tanzania, Rwanda và Uganda để hỗ trợ các nước.
“Chúng tôi lo ngại rằng số người thiếu ăn và đau ốm sẽ gia tăng trong những tuần tới khi lũ lụt và Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng đối phó của nhiều nước trong khu vực”, ông Missiri lưu ý.
Thanh Bình (lược dịch)