Phòng bệnh dại, TP.HCM tăng cường bắt chó thả rông nơi công cộng
Trong 9 tháng đầu năm 2016 cả nước có hơn 100 ngàn người bị chó cắn |
Theo UBND TP, số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm 2016 đến nay đã có 18 tỉnh, thành phố báo cáo các trường hợp chó nghi mắc bệnh Dại, bao gồm các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Quảng Trị, Gia Lai, Phú Yên, Quảng Nam.
Thông báo của Bộ Y tế, số người tử vong do bệnh Dại trên cả nước là 39 người và số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng là 101.072 người (miền Bắc là 28.599 người, miền Trung là 16.487 người, Tây Nguyên là 2.403 người và miền Nam là 53.583 người).
Chính vì vậy, tại địa bàn TP.HCM, TP đã giao Sở Y tế tăng cường giám sát bệnh Dại trên người, phối hợp với cơ quan thú y trong tổ chức giám sát và xử lý các trường hợp nghi ngờ có ca bệnh Dại trên động vật và hướng dẫn xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bị súc vật cắn và không để xảy ra ca bệnh Dại trên người.
Trong khi đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với UBND các địa phương định kỳ thống kê đàn chó mèo và thường xuyên rà soát, theo dõi sự biến động tăng, giảm đàn chó mèo, tổ chức công tác bắt chó thả rông nơi công cộng.
Nơi này cũng cần tổ chức tiêm phòng bệnh Dại hằng năm cho đàn chó mèo bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 85% trên tổng đàn.
Về phía các quận, huyện cần chỉ đạo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và Ủy ban nhân dân phường xã, thị trấn tuyên truyền để người dân không thả rông chó mèo nơi công cộng và tiêm phòng hàng năm, và khi nuôi chó mèo phải đăng ký với chính quyền địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến người xung quanh.