Phẫu thuật cho bệnh nhân gan 'ngoi' lên lồng ngực
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Quận Thủ Đức, TP.HCM, các bác sĩ của bệnh viện này vừa cấp cứu cho một trường hợp đặc biệt bị gan chui lên ngực chèn ép lá phổi.
Theo thông tin từ phía gia đình, ngày 28/5, anh N.V.C 41 tuổi trong lúc đi bộ qua đường để về nhà thì bất ngờ đã bị một chiếc xe máy tông phải. Sau cú va chạm mạnh, anh C. bất tỉnh, hôn mê ngay tại chỗ và được đồng nghiệp chở thẳng đến bệnh viện gần nhà.
Do chấn thương nặng nên anh lại được chuyển đến một cơ sở y tế khác. Tại đây anh được xác định bị đa chấn thương: gẫy xương gò má, gẫy xương thùy sọ, vỡ xương chậu, gẫy chân, dập phổi phải, vỡ gan phải,… Tình trạng anh rất nặng, có nguy cơ tử vong cao nhưng do được điều trị tích cực nên khoảng sau 2 tuần anh đã qua cơn nguy kịch, dần hồi phục, nhận biết được mọi người xung quanh. Thế nhưng tình trạng của anh vẫn phải được theo dõi liên tục vì đây là một ca nặng, diễn biến phức tạp.
Sau khi tình trạng đỡ hơn, anh C. được về Bệnh viện quận Thủ Đức để tiếp tục điều trị.
Ths.Bs Nguyễn Kim Anh – Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu cho biết: “Khi tiếp nhận, bệnh nhân vẫn đang được cố định ngoài xương chậu, khó thở, tràn dịch màng phổi phải lượng nhiều. Phổi bệnh nhân đầy nước nên chúng tôi phải đặt ống dẫn lưu để dịch thoát ra ngoài thì bệnh nhân mới có thể thở được. Vấn đề ở đây là dịch ở phổi tiết ra liên tục mỗi ngày từ khoảng 100-200ml nên không thể rút ống dẫn lưu. Lúc này chúng tôi phải tìm nguyên nhân vì sao và dịch từ đâu ra?”.
Bệnh nhân C. sau ca phẫu thuật |
Nhận thấy vấn đề phức tạp của ca bệnh, một cuộc hội chẩn liên chuyên khoa được tổ chức. Sau khi phân tích lâm sàng, các xét nghiệm, hình ảnh CT thì kết luận: Nghi ngờ bệnh nhân đã bị vỡ cơ hoành phải, chỗ ngăn cách giữa gan và phổi, khiến gan chui lên lồng ngực, gây chèn ép và làm xẹp phổi phải. Đồng thời dịch từ bụng qua cơ hoành thoát lên phổi khiến phổi luôn có hiện tượng tràn dịch lượng nhiều mỗi ngày.
Nếu đây là một giả thuyết đúng thì cần phải tái tạo lại cơ hoành, đưa gan trở về vị trí cũ càng sớm càng tốt vì nếu để lâu ngày sẽ dẫn đến nhiễm trùng và phần phổi bị chèn ép không thể nở lại, hư tổn và buộc phải cắt bỏ phổi. Lúc này cho dù phẫu thuật có thành công thì chức năng hô hấp của bệnh nhân sẽ giảm rất nhiều về sau. Các phương án và giải pháp từng phần đã được thảo luận, thống nhất và chuẩn bị kỹ càng trong cuộc hội chẩn liên chuyên khoa này trước khi quyết định phẫu thuật cho người bệnh.
Ngày 3/8/2020, cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 6 giờ đồng hồ được tiến hành. Ca mổ thực sự phức tạp. Đúng như giả thuyết ban đầu, cơ hoành đã bị vỡ lỗ rất to, 15x15cm, khiến gan phải chui lên nằm ở lồng ngực, đè ép và làm xẹp phổi phải. Gan và phổi dính chặt nhau trong thời gian dài nên các bác sĩ không thể bóc tách gan ra khỏi phổi để đưa gan xuống ổ bụng bằng đường mổ bụng.
Lúc này bác sĩ ngoại khoa phối hợp với ekip khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu do bác sĩ Nguyễn Kim Anh trưởng khoa phụ trách.
Các bác sĩ phải chẻ xương ức mở đường mổ ngực để bóc tách gan và phổi ra và đưa gan về vị trí ổ bụng, khâu và tái tạo lại chỗ vỡ của cơ hoành, đặt lưới nhân tạo phòng ngừa thoát vị tái phát sau này; gỡ dính phổi và màng phổi sau đó đặt dẫn lưu màng phổi và ổ bụng. Đồng thời, bệnh nhân cũng được Khoa Chấn thương chỉnh hình gỡ khung cố định ngoài của xương chậu. Kết thúc cuộc phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển qua khoa ICUA để điều trị hồi sức tích cực”.
Sau một thời gian điều trị và nằm theo dõi ở khoa hồi sức tích cực (ICUA), hiện tại tình trạng bệnh nhân đã dần ổn định: Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt; Gan hồi phục và về vị trí đúng ổ bụng; Phổi tiến triển đã giãn nở được hơn 2/3 phế trường. Bệnh nhân cần tích cực tập vật lý trị liệu để phổi tiếp tục giãn nở, trở về kích thước ban đầu, khôi phục chức năng tuần hoàn hô hấp. Trong thời gian tới ngoài việc theo dõi tiến triển của phổi, bệnh nhân sẽ được chuyển qua khoa Chấn thương chỉnh hình để điều trị tiếp vùng xương chậu bị gẫy và được đặt nẹp vít chỗ gẫy cổ chân trái.
Khánh Chi