Phát triển du lịch gắn với bảo tồn ở đảo Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, là một cụm đảo thuộc biển Cửa Đại, nằm cách Di sản thế giới đô thị cổ Hội An chừng 36 km.
Vùng biển đảo Cù Lao Chàm được đánh giá là một trong những khu vực có độ đa dạng sinh học vào loại cao nhất Việt Nam. Trong những năm qua, du lịch Cù Lao Chàm không ngừng phát triển, thu hút một lượng lớn du khách với các hình thức du lịch được khai thác chủ yếu là lặn khám phá đáy biển, ngắm san hô, cắm lều trại ở bãi biển và lưu trú cùng dân. Tuy vậy, các dịch vụ và sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, chưa tạo được bản sắc, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của cư dân miền biển.
Rừng Cù Lao Chàm có hơn 500 loài với nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua…, có hơn 220 loài cây làm thuốc, nhiều loại dược liệu quý như mã tiền, sơn máu, ngũ gia bì… Đặc biệt có 2 loại cây thuốc Nam quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam là cây cỏ nhung và trầm hương. Có 4 loài cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Viêt Nam công nhận là cây di sản gồm: cây đa, 3 cây ngô đồng đỏ, cây nánh và cây nén cổ thụ tại Miếu tổ nghề yến. Hệ động vật có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát, trong đó có loài khỉ đuôi dài và chim yến quý hiếm.
Những năm qua, sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn TP.Hội An còn lan tỏa ra đến biển- đảo Cù Lao Chàm.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn ở đảo Cù Lao Chàm |
Mỗi năm đón trên 400 ngàn lượt khách với một loạt các hoạt động vui chơi biển- đảo như lặn ngắm san hô, thăm các di tích và trải nghiệm văn hóa bản địa. Việc khai thác du lịch biển- đảo đã đem lại việc làm cho hàng ngàn lao động, từ vận chuyển đến các dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí, thu nhập bình quân người lao động trên 8 triệu đồng/ người / tháng.
Phát triển kinh tế biển- đảo đã làm thay đổi sinh kế của người dân trên xã đảo, ngăn chặn được tình trạng khai thác thủy- hải sản ven bờ, góp phần vào việc giữ gìn bảo vệ khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm .
Đối với du lịch, Cù Lao Chàm luôn không ngừng đổi mới để thu hút khách. Song bên cạnh sự đổi mới đó, đảo vẫn không tách rời thương hiệu Khu sinh quyển mang tầm quốc tế đã mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư trên đảo.
Cùng với các hoạt động quảng bá trên các phương tiện truyền thông của các cấp lãnh đạo, ban ngành thành phố, Ban quản lý khu bảo tồn/dự trữ sinh quyển thì các doanh nghiệp cũng tăng cường thông tin, giới thiệu vẻ đẹp cũng như các dịch vụ, trải nghiệm ở đảo xanh Cù Lao Chàm trên các website, trang mạng xã hội, truyền hình,... nhằm giúp cho thương hiệu du lịch Cù Lao Chàm thêm hấp dẫn, ấn tượng.
Có thể nói, Cù Lao Chàm đã thành công với viêc xây dựng đảo xanh thành một điểm du lịch hấp dẫn với rất nhiều loại hình dịch vụ như: khám phá vẻ đẹp hoang dã của các bãi biển hòn đảo nhỏ tự nhiên, tắm biển, lặn ngắm san hô, thưởng thức đặc sản địa phương,...
Người Cù Lao Chàm hiện tại chính là hướng dẫn viên du lịch giới thiệu lại cho du khách về những gì mình đã và đang làm để bảo tồn và phát triển.
Kỹ sư Nguyễn Văn Vũ – trưởng phòng nghiên cứu hợp tác quốc tế, Ban quản lý khu bảo tồn Cù Lao Chàm cho biết hiện nay công tác bảo tồn được ban ưu tiên nhất là hệ sinh thái rừng. Dưới biển thì bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, các tài nguyên bãi biển.
Hệ sinh thái ngoài biển bảo tồn, Ban quản lý còn giám sát tài nguyên, phục hồi tài nguyên bị tác động của môi trường.
Quản lý các hoạt động du lịch, khai thác thủy sản xung quanh khu bảo tồn để giảm tác động tới tài nguyên của Cù Lao Chàm.
Hơn 10 năm, Cù Lao Chàm vẫn là điểm đến của du khách và đảo vẫn bảo tồn nguyên vẹn giá trị hệ sinh thái rừng, biển, thể hiện ở sự đa dạng về giống loài và nguồn gene. Cụ thể, các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rong biển được bảo tồn khá tốt.
Tại vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, chương trình giám sát rạn san hô và giám sát cỏ biển, chương trình quan trắc chất lượng nước biển, chương trình làm vườn ươm và phát tán san hô, việc bảo tồn hệ sinh thái biển được triển khai thực hiện tốt.
K.Chi