Phát hiện tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời nhanh nhất
Tiểu hành tinh 2021 PH27 quay quanh Mặt trời với tốc độ rất nhanh, hoàn thành một vòng trong 113 ngày.
Phát hiện tiểu hành tinh quay quanh Mặt trời nhanh nhất |
Để Trái Đất hoàn thành một vòng quay quanh Mặt trời phải mất khoảng 365 ngày nhưng với tiểu hành tinh 2021 PH27 thời gian quay chưa bằng 1/3 thời gian của hành tinh chúng ta.
2021 PH27 quay quanh Mặt trời được một vòng trong thời gian 113 ngày. Đó là chu kỳ quỹ đạo ngắn nhất mà bất kỳ tiểu hành tinh nào có thể đạt được.
2021 PH27 cách Mặt trời khoảng 20 triệu km. Scott Sheppard, một nhà thiên văn học tại Viện Khoa học Carnegie đã phát hiện ra tiểu hành tinh trong các quan sát lúc chạng vạng thực hiện vào ngày 13/8.
Nhóm nghiên cứu đã chụp những hình ảnh về tiểu hành tinh 2021 PH27 bằng Máy ảnh Năng lượng Tối gắn trên Kính viễn vọng 4 mét Víctor M. Blanco tại Đài quan sát liên Mỹ Cerro Tololo ở Chile.
Ước tính tiểu hành tinh có kích thước khoảng 1 km. Theo Scott Sheppard, đây là một khía cạnh đáng ngạc nhiên vì rất ít tiểu hành tinh trong Hệ Mặt trời đã được phát hiện có kích thước như vậy.
Vì ở gần Mặt trời nên bề mặt của 2021 PH27 có thể đạt đến nhiệt độ 482 độ C, đủ nóng làm tan chảy chì.
"Do nhiệt độ khắc nghiệt như vậy, không có khả năng 2021 PH27 tạo thành từ bất kỳ vật liệu dễ bay hơi nào, rất có thể tiểu hành tinh này tạo thành từ đá và một số kim loại như sắt", Scott Sheppard cho biết.
Tiểu hành tinh có quỹ đạo không ổn định, cắt ngang quỹ đạo của sao Thủy và sao Kim khi quay quanh Mặt trời. Trong vòng vài triệu năm tới, quỹ đạo của tiểu hành tinh có thể sẽ khiến nó diệt vong. Mảnh đá vỡ ra sẽ va chạm với sao Thủy hoặc sao Kim, hay chính mặt trời hoặc thậm chí sẽ bị văng ra khỏi vị trí hiện tại trong Hệ Mặt trời.
Tuy nhiên, vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho việc tiểu hành tinh này đến từ đâu. Scott Sheppard đã đưa ra một số giả thuyết dựa trên những quan sát sơ bộ.
Có khả năng 2021 PH27 đã tách ra khỏi vành đai tiểu hành tinh chính nằm giữa sao Hoả và sao Mộc, hoặc có thể là một sao chổi đã tuyệt chủng được sinh ra phía ngoài Hệ Mặt trời. Sau đó, bị kéo vào một quỹ đạo gần hơn khi đi ngang các hành tinh, giữ chúng ở bên trong Hệ Mặt trời trong thời gian dài.
Scott Sheppard thường tìm kiếm các vật thể cực kỳ xa trong hệ mặt trời và hơn thế nữa. Tuy nhiên, việc tìm hiểu số lượng của các tiểu hành tinh gần quỹ đạo Trái Đất cũng rất quan trọng.
Các tiểu hành tinh gần có cơ hội tác động đến Trái Đất trong tương lai nhưng một vài tiểu hành tinh cực kỳ khó quan sát vì chúng tiếp cận Trái Đất vào ban ngày.
Máy ảnh Năng lượng tối có trường nhìn lớn khiến nó trở thành một công cụ mạnh mẽ để tìm kiếm các vật thể khó nắm bắt như 2021 PH27, đặc biệt là trong những giờ chạng vạng khi mặt trời lặn và ngay trước khi mặt trời mọc.
Sự thật về những viên kim cương 'siêu sâu' từ xác sinh vật trong lòng đất
Những viên kim cương nằm ở các vị trí sâu trong lòng đất có thành phần từ những sinh vật sống ở độ sâu khoảng 400 km từ bề mặt Trái Đất.
Hoàng Dung (lược dịch)