Phát hiện quả trứng 2.000 năm tuổi bên trong ngôi mộ cổ
Theo tờ Daily Mail, các nhà nghiên cứu thuộc Sở Di chỉ Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Quý Châu tìm thấy quả trứng trong một ngôi mộ thời nhà Hán (202 trước CN - 220) ở khu di chỉ Huangjinwan.
Chuyên gia Zhang Gaike, người đứng đầu dự án cho biết quả trứng có kích thước và hình dạng giống quả trứng gà.
Người ta tìm thấy quả trứng vùi trong bùn đất. Ông Zhang nói: "Chúng tôi cố gắng làm sạch bùn đất dính trên vỏ trứng. Nhưng ngay khi bàn chải chạm vào vỏ, quả trứng lập tức rạn nứt.
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ở Quý Châu tìm thấy một quả trứng trong ngôi mộ. Nó giúp các nhà khoa học thấy rõ sự khác biệt giữa ngôi mộ thời nhà Hán và ngôi mộ thời nhà Thương, nhà Chu.
Ông Zhang cho biết ở triều đại nhà Thương và nhà Chu, chủ nhân thường được chôn cùng các đồ vật bằng đồng trong khi nhà Hán thường chôn cùng nhu yếu phẩm hàng ngày.
Các nhà khảo cổ học cho rằng cần có thêm nghiên cứu để xác định chính xác về loại trứng và lý do vì sao vỏ trứng mòng, dễ hỏng lại có thể được bảo quản tốt trong thời gian quá dài như vậy.
Các triều đại nhà Hán được coi là thời kỳ vàng son trong lịch sử Trung Quốc, nhất là về lĩnh vực chính trị, nghệ thuật và công nghệ.