Pháo đài Láng - nơi bắn phát đạn mở đầu những ngày toàn quốc kháng chiến
Pháo đài Láng nằm ở cánh đồng thôn Láng Trung (nay thuộc phố Pháo đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội). Khu vực pháo đài đã xây dựng thành khu di tích lịch sử Pháo đài Láng (nằm trong cơ quan Tổng cục Khí tượng Việt Nam).
Pháo đài Láng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946 - Ảnh tư liệu Bảo tàng LSQS Việt Nam. |
Năm 1940, thực dân Pháp bắt nhân dân làng Láng Trung, xã Yên Lãng (nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) nhổ lúa trên cánh đồng rộng 4ha để xây dựng pháo đài phòng thủ nhằm chống phát xít Nhật đang tràn vào Việt Nam. Chúng xây dựng pháo đài, kho chứa đạn và nhà ở cho pháo thủ. Trong pháo đài có ba khẩu pháo 75mm nhưng sau hỏng một khẩu, còn hai khẩu hoạt động được. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm pháo đài. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, quân và dân ta tiếp nhận, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật sử dụng pháo.
Ở thời điểm đó, số pháo này là vốn quý để đánh địch trong những ngày đầu kháng chiến. Các khẩu pháo thường không có máy ngắm, thiếu nhiều bộ phận đòi hỏi phải được sửa chữa. Tháng 11-1945, phòng Quân giới lập xưởng sửa chữa pháo đầu tiên ở Hà Nội. Xưởng có một kíp thợ hơn 10 người, trong đó có những người đã làm thợ sửa chữa pháo, đạn trong quân đội Pháp. Nhiệm vụ của kíp thợ là kiểm tra, sửa chữa các khẩu pháo ở Hà Nội, chuẩn bị thành lập các phân đội pháo đài Láng, Xuân Tảo và Xuân Canh.
Ngày 29-6-1946, Bộ Tổng Tham mưu quyết định thành lập Trung đội Pháo đài Láng, Xuân Tảo và Xuân Canh. Trung đội Pháo đài Láng có 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Ứng Gia làm Trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Khoát làm Chính trị viên. Pháo đài có 2 khẩu pháo cao xạ 75mm và 01 khẩu súng máy 12,7mm. Tháng 9-1946, thành lập thêm Trung đội Pháo đài Thủ Khối, nằm bên tả ngạn sông Hồng, đồng thời thành lập Đại đội Pháo binh Thủ đô, thống nhất chỉ huy 4 trung đội pháo đài. Ngày 29-6-1946 trở thành ngày truyền thống của Pháo binh Quân đội nhân Việt Nam.
Thời kì mới thành lập Pháo đài Láng, Trung đội trưởng Nguyễn Ứng Gia đã giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu biết sơ bộ về tính năng, tác dụng của pháo cao xạ 75mm. Một số tài liệu pháo binh của Pháp được dịch sang tiếng Việt cho bộ đội dễ hiểu, chẳng hạn như: chỗ pháo thủ đứng thao tác bắn gọi là mâm hoặc bệ pháo, then đóng mở buồng đạn gọi là then chốt hoặc ư bẩm, vành máy tâm gọi là vành răng lược.
Ngày 16-12-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, cùng đồng chí Vương Thừa Vũ đến thăm hỏi động viên anh em, kiểm tra lần cuối mọi công việc chuẩn bị và duyệt phương án tác chiến của pháo đài. Đồng chí Võ Nguyên Giáp yêu cầu trung đội chú ý nghiên cứu sáng tạo nhiều hơn nữa và khi cần thiết phải hạ nòng pháo xuống, bắn thẳng vào quân địch, nhưng phải luôn luôn chú ý giữ gìn bảo vệ vũ khí.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đúng 20 giờ 03 phút ngày 19-12-1946, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Chỉ huy, công nhân Nhà máy điện Hà Nội cho nổ mìn phá máy phát điện, đèn điện toàn thành phố vụt tắt. Pháo đài Láng phát hỏa, bắn những phát đạn đầu tiên vào cơ sở của địch trong thành phố, đồng thời là hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc, tiếp đó các pháo đài khác cùng bắn.
Ngay hôm sau, địch cho máy bay trinh sát thành phố để ném bom. Bằng cách ngắm trực tiếp, chiến sĩ pháo đài đã lập chiến công vang dội bằng việc bắn rơi một chiếc máy bay địch trên địa bàn Thủ đô vào ngày 21/12/1946. Đây là lần đầu tiên máy bay Pháp bị bộ đội ta bắn tan xác trên bầu trời Hà Nội. Ngày 22-12-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư khen chiến sĩ pháo đài. Đến ngày 10-1-1947, Bộ Chỉ huy mặt trận lệnh cho Pháo đài Láng phá hủy pháo và rút về Hà Đông.
Sau 60 ngày đêm, pháo đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Giam chân quân địch ở Hà Nội, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài…”. Ghi nhận những chiến công dũng cảm, kiên cường của quân và dân nơi đây, con phố dẫn vào pháo đài được mang tên phố Pháo Đài Láng.
Một góc khu di tíchPháo đài Láng ngày nay - Ảnh sưu tầm. |
Khu di tích Pháo đài Láng sau này trở thành di tích lịch sử cách mạng và được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1993. Hiện nay trong di tích còn trưng bày một trong hai khẩu pháo chứng tích cho sự mở đầu "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của quân và dân Hà Nội bảo vệ Thủ đô trong những ngày toàn quốc kháng chiến.
Bên cạnh đó có Nhà trưng bày nhiều hiện vật qúy như mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sỹ Đại đội Pháo binh Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến, bằng công nhận Pháo đài là di tích lịch sử - văn hóa và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử, tiêu biểu như: quả bom ba càng; năm viên đạn pháo cao xạ 75mm; mã tấu là những vũ khí của tự vệ và bộ đội pháo đài sử dụng trong những ngày Toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô.
Di tích lịch sử cách mạng Pháo đài Láng là minh chứng cho ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đây là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về sự dũng cảm, ý chí kiên cường và niềm tự hào đối với thế hệ người đi trước trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.