PGS.TS Trần Thành Nam: Nhờ ‘bảo mẫu vô danh' trông trẻ qua livestream là hành vi bạo hành lạnh cần lên án!
“Việc các em nhỏ tiếp xúc thời gian quá dài với màn hình và internet có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, làm suy giảm các kỹ năng nhận thức và năng lực vận động”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền những đoạn clip được các bà mẹ bỉm sữa ghi lại khoảnh khắc con nhỏ ngồi trước màn hình livestream. Điều gây chú ý nhất là các bậc phụ huynh không ngồi cùng con mà lại nhờ cư dân mạng trông coi hộ rồi đi làm việc riêng.
Theo đó, sau khi bật phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội, người mẹ cho con ngồi đối diện màn hình. Người mẹ đưa cho con các món đồ chơi hoặc đồ ăn để bé chịu ngồi yên một chỗ, không khóc. Nếu bé khóc thì cư dân mạng sẽ gọi lớn để báo cho mẹ của bé. Điều này vô tình đẩy các cư dân mạng vào vai trò khó tin là làm “bảo mẫu online”.
Bí quyết trông con kiểu mới này đang gây ra nhiều luồng tranh cãi trên mạng xã hội.
Một em bé được mẹ đặt trước màn hình livestream. (ảnh cắt từ clip trên MXH) |
Nguy hại nhiều hơn lợi ích
Chia sẻ với Infonet, PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhận định, việc trông trẻ online đang được cư dân mạng lan truyền là một giải pháp đã được các gia đình bận rộn “phát minh” ra trong giai đoạn giãn cách vì đại dịch. Khi đó, các bậc phụ huynh bận rộn nhờ ông bà để mắt đến con cái của họ trong khoảng thời gian ngắn để làm việc nhà.
“Đó cũng là cơ hội để kết nối tình thân giữa các thành viên trong gia đình trong giai đoạn cách ly xã hội. Đứa trẻ bị tách khỏi môi trường tự nhiên và các hoạt động xã hội của lứa tuổi có thể xuất hiện những áp lực tâm lý. Vì vậy, việc kết nối cảm xúc và giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình được cân nhắc là một giải pháp khả thi trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, việc tận dụng cộng đồng mạng trông trẻ online qua sóng livestream nở rộ trong thời gian gần đây có thể gây ra nhiều nguy cơ cho những đứa trẻ”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS. TS Trần Thành Nam đưa ra các ví dụ là các kết quả nghiên cứu về độ tuổi của trẻ để cha mẹ xác định được trách nhiệm của bản thân trong việc chăm sóc và đảm bảo các điều kiện an toàn cho con một cách phù hợp.
Đối với nhóm trẻ dưới 3 tuổi thì luôn cần có người để mắt đến các con; những đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo (3-5 tuổi) chỉ có thể để con tự chơi không giám sát trong khoảng thời gian 10-15 phút.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn phải quan tâm tới sự phát triển năng lực tự chủ, kỹ năng nhận diện tình huống nguy hiểm và phòng chống tai nạn thương tích của các em đã hình thành đến mức nào thì mới để cho con được tự quản đến mức đó. Và có một số khuyến cáo mang tính nguyên tắc an toàn phù hợp với từng lứa tuổi như không để con qua đêm ở nhà một mình trước 12 tuổi.
Nhờ "bảo mẫu online" là sự thiếu trách nhiệm của phụ huynh
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, hành vi cha mẹ để mặc con với người lạ trên không gian mạng khi livestream vượt quá thời gian khuyến cáo theo lứa tuổi là biểu hiện của hành vi lơ là trách nhiệm, thiếu ý thức làm cha mẹ.
“Đó là một dạng hành vi bỏ mặc, một dạng "bạo hành lạnh" cần lên án. Nó cũng thể hiện rằng các bậc cha mẹ chưa ý thức được rõ các nguy cơ trên mạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con.
Việc các em nhỏ tiếp xúc thời gian quá dài với màn hình và internet có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, làm suy giảm các kỹ năng nhận thức và năng lực vận động. Đã có những nghiên cứu chỉ ra tác động của việc xem tivi trực tuyến với năng lực nhận thức và vận động”, PGS TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Vì những lý do trên nên PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, cha mẹ cần đặt quyền lợi của con làm trung tâm trước khi có bất cứ quyết định nào liên quan đến các em.
Cha mẹ không nên để con trẻ một mình với thiết bị điện tử. (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, nhìn vào hiện tượng nhờ trông con qua livestream này, PGS. TS Trần Thành Nam nhận thấy một số phụ huynh ngoài việc bận ra thì còn coi đó là một cách để tạo ấn tượng, gây chú ý của cộng đồng mạng đối với bản thân mình chứ không cân nhắc đến quyền lợi của con.
Việc gì cũng có 2 mặt nên cha mẹ cần lưu ý các nguyên tắc an toàn cho con khi tương tác livestream trên mạng. “Phải kiên định về nguyên tắc giới hạn thời gian tiếp xúc với thiết bị mạng cho từng độ tuổi. Cha mẹ phải đảm bảo biết rõ những người trên livestream đang tương tác với con cái chúng ta trên mạng để bảo vệ con khỏi những kẻ xấu.
Phải đảm bảo môi trường thực tế xung quanh trẻ đủ an toàn như có các nắp an toàn trên các ổ cắm không sử dụng, có các tấm chắn cửa sổ, cửa ra vào cầu thang, đảm bảo những góc nhọn của đồ vật trong nhà đều được bịt bằng những tấm nhựa, đảm bảo không để các đồ vật nhỏ trong tầm tay của trẻ, cách ly tất cả các sản phẩm chất tẩy rửa hoặc thuốc, các hóa chất xa tầm tay của trẻ; những đồ vật sắc nhọn phải được để trong các ngăn tủ có khóa... Rất nhiều thứ trong không gian gia đình đều có thể gây ra những nguy cơ mất an toàn", PGS. TS Trần Thành Nam phân tích.
PGS.TS Trần Thành Nam |
Gợi ý bí quyết để trẻ tự chơi
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, thay vì nhờ “bảo mẫu vô danh online” trông con thì cha mẹ hãy tạo một môi trường thực an toàn cho trẻ chơi một cách độc lập ở xung quanh mình, nơi mà chúng ta có thể luôn để mắt tới. Cha mẹ hoàn toàn có thể sáng tạo những trò chơi đơn giản và gây hứng thú với trẻ.
Ví dụ, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ chơi với các khối hình. Cha mẹ có thể từ xa hướng dẫn trẻ đếm, phân loại các mảnh ghép, trẻ có thể học được các từ vựng phong phú để mô tả về các mảnh ghép, cha mẹ cũng có thể khen về những ý tưởng ghép hình của con...
“Cha mẹ bận việc nhưng hoàn toàn có thể chơi với con trò chơi “nếu... thì” như một cách thức dạy con các kỹ năng ứng xử. Ví dụ như: Nếu muốn đi vệ sinh thì em cần làm thế nào? Nếu có bạn không thích chơi với em thì phải làm sao?...
Với cách thức như thế, sự kết nối mẹ con sẽ bền chặt, đứa trẻ vẫn cảm thấy an toàn khi chơi một mình mà cha mẹ cũng sẽ được thư giãn với những câu trả lời hài hước của con”, chuyên gia Trần Thành Nam đưa ra ý kiến.
Bạch Dương