Ôm trọn biển đảo trong "Cờ thắm giữa biển xanh"
Kỷ niệm 20 năm vào nghề báo, Nguyễn Viết Tôn vừa cho ra mắt cuốn sách "Cờ thắm giữa biển xanh”. Đây là cuốn sách đáng tham khảo với nhiều giá trị, ý nghĩa về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
"Cờ thắm giữa biển xanh" – cuốn sách kết tinh niềm đam mê đi và viết với những cảm xúc sâu đậm, những tâm sự nặng lòng với biển đảo quê hương của nhà báo Nguyễn Viết Tôn hiện đang công tác tại Thông tấn xã Việt Nam vừa được Nhà xuất bản Văn học giới thiệu đến độc giả.
27 bài viết trong cuốn sách không đơn thuần là những ghi chép của một nhà báo đã từng hai lần được tới Trường Sa, đặt chân lên nhiều hòn đảo lớn nhỏ trong vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn nhiều hình ảnh, tư liệu quý ôm trọn chủ đề về người chiến sĩ Hải quân Trường Sa, lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng biển được giới thiệu đến độc giả.
Theo nhà báo Nguyễn Tri Thức, Vụ trưởng, Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản thì đây là cuốn sách đáng tham khảo, với nhiều giá trị, ý nghĩa khác nhau. “Cờ thắm giữa biển xanh” không gói gọn, khu biệt vào một lĩnh vực, đề tài cụ thể nào, mà rộng lớn, bao trùm, nhưng lại rất chi tiết, gần gũi. Đó là việc “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Phát triển đảng ở Trường Sa”, “Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu trên biển”, hay “Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân luôn là cảm hứng sáng tác của các họa sĩ”… Cuốn sách còn đề cập đến nhiều tư liệu lịch sử quý báu, vô giá; đến quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta coi việc “Bảo vệ chủ quyền biển đảo luôn được đặt lên hàng đầu”, là “Giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, “Sẵn sàng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng” của Tổ quốc… Hay việc bàn thảo về “Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”… Sâu thẳm trong mỗi con chữ, mỗi bài viết của Nguyễn Viết Tôn là hình ảnh biển, đảo thiêng liêng, là lá cờ Tổ quốc. Lá cờ đỏ thắm ấy như những cột mốc chủ quyền sống động!.
Còn Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó chính uỷ Quân chủng Hải quân Việt Nam nhận xét: “Nguyễn Viết Tôn không chỉ viết về Trường Sa, viết về biển đảo quê hương bằng kinh nghiệm và trách nhiệm của một người làm báo chuyên nghiệp mà tôi cảm thấy Nguyễn Viết Tôn như đang vắt cảm xúc ra từ chính tâm hồn và nhiệt huyết của mình, một người dân Việt Nam yêu nước, yêu biển đảo quê hương. Những bài ghi chép chân thực, giàu cảm xúc của anh không chỉ chạm tới, bồi dưỡng và làm lay động trái tim của cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn chạm vào, bồi dưỡng và làm lay động hàng triệu trái tim độc giả trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới”.
Nguyễn Viết Tôn tâm sự, cuốn sách này anh ấp ủ 2 năm nay, nhưng ngay từ năm 2010 - lần đầu tiên được đặt chân đến Trường Sa, anh đã có ý định đầu tư thời gian, tìm hiểu tư liệu lịch sử và viết nên các tác phẩm, sau đó gìn giữ, lưu lại để in sách.
Ảnh nhà báo Nguyễn Viết Tôn chụp chung cùng các chiến sĩ đảo Đá Lớn C |
Xuất phát từ việc ấp ủ đó mà công tác lưu trữ đã được anh dày công chăm chút. Việc chỉnh sửa bài viết, chau chuốt câu từ (kể cả tác phẩm khi đã xuất bản rồi) vẫn tự tay anh biên tập. Đây cũng là thói quen để tự hoàn thiện mình hơn của anh.
Đặc biệt năm nay, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, Nguyễn Viết Tôn có ý định sẽ ra mắt cuốn sách đầu tay của mình đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020) nhưng sau khi ăn Tết xong anh lai chợt nghĩ đến sự kiện ngày 14/3/1988, ngày mà 64 chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh trước họng súng của quân Trung Quốc cướp đá Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ đó anh càng gấp rút để cuốn sách ra đời như một lời tri ân.
Đọc "Cờ thắm giữa biển xanh" có thể thấy, mỗi bài viết, mỗi cán bộ, chiến sĩ, mỗi ngư dân trong cuốn sách này đều như một ngọn cờ mà chính tên cuốn sách đã lột tả lên tất cả.
“Viết về chủ quyền biển đảo, khi thì kiên quyết, lúc thì mềm dẻo, nhà báo Nguyễn Viết Tôn khẳng định “Chủ quyền không thể phủ nhận” bằng cách dẫn lời Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần”; anh đã đưa các tài liệu cũ ở “Đại Nam nhất thống chí”, hay các tài liệu thời hiện đại: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC)... Anh bày tỏ quan điểm quan niệm của mình về chủ quyền biển, đảo như một nhà bình luận quốc tế với lập luận đanh thép”. Lời tựa sách của Nhà văn Sương Nguyệt Minh |
Đông Triều