Xe chở bột đá rơi vãi khiến đường trắng xóa như tuyết phủ, xử lý thế nào?
Trao đổi với PV về hình ảnh con đường tuyết phủ trắng xóa ở địa bàn huyện Gia Lâm (khoảng 100m) lan truyền trên mạng xã hội từ ngày 15/11, một vị lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 5 – Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội cho biết: “Qua kiểm tra ban đầu, chúng tôi có thể khẳng định đây thực chất là bột đá bị rơi vãi ra đường, văng bám khắp mặt đường và thảm thực vật xung quanh; không phải băng tuyết như dư luận đồn đoán”.
Vị này thông tin thêm: “Sau khi xem xét thực tế tại hiện trường nơi xảy ra vụ việc, đơn vị đang cắt cử cán bộ chiến sĩ CSGT trích xuất camera tại các nhà dân bên đường để tìm đối tượng làm rơi vãi bột đá, gây ô nhiễm.
Đơn vị cũng kêu gọi ô tô nào đi qua khu vực trên trong khoảng thời gian từ 5h10 đến 7h ngày 15/11 phối hợp cùng cơ quan chức năng làm rõ vụ việc”.
Trao đổi với PV Infonet về vụ việc này, luật sư Phàn A Thương - Công ty Luật TNHH Tâm Anh (Hà Nội) cho biết: “Trường hợp do xe tải hoặc người dân không may làm rơi vãi bột đá xuống đường (khiến khoảng 100m quốc lộ 5 hướng Hà Nội - Hải Phòng qua xã Đặng Xá trắng xóa - PV) thì có thể bị xử lý hành chính, buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Thậm chí, lực lượng chức năng có thể tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm”.
Luật sư viện dẫn căn cứ pháp luật và phân tích: “Theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Giao thông đường bộ 200, việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô phải chấp hành một số quy định sau: Hàng vận chuyển trên xe phải được xếp đặt gọn gàng và chằng buộc chắc chắn. Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi.
Do đó, việc xe chở vật liệu bột đá không che chắn, hoặc có che chắn nhưng làm rơi vãi bột đá ra mặt đường quốc lộ 5 (kéo dài một đoạn khoảng 100m) là hành vi vi phạm quy định trong việc vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô.
Ngoài việc phải che đậy, không để rơi vãi thì chở bột đá cũng phải tuân thủ về trọng tải thiết kế, chiều cao xếp hàng hóa trên phương tiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 Luật Giao thông đường bộ 2008 và quy định tại Khoản 4 Điều 18 Thông tư 46/2015/TT-BGTVT. Cụ thể quy định như sau: “Trường hợp xe chở hàng rời, vật liệu xây dựng như đất, đá, cát, sỏi, than, quặng hoặc các hàng có tính chất tương tự, chiều cao xếp hàng hóa không vượt quá chiều cao của thùng xe ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe”.
Theo luật sư, với việc làm rơi vãi bột đá dẫn đến phủ trắng đường, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng theo quy định tại Điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường).
Đồng thời, hành vi vi phạm làm rơi vãi vật liệu ra đường, người điều khiển xe ô tô chở vật liệu buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.
Ngoài ra, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm theo quy định tại Điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Như vậy, cơ quan chức năng cần trích xuất camera giám sát và tại các nhà dân bên đường để tìm ra phương tiện đã làm rơi vãi bột đá ra mặt quốc lộ; đồng thời tìm đối tượng làm rơi vãi bột đá, gây ô nhiễm để có phương án xử lý vi phạm.
Tiến Anh