Ở nơi tiểu thương vừa được hỗ trợ bán hàng vừa được học nhảy miễn phí
Một buổi học nhảy miễn phí cho các chị tiểu thương chợ Bãi Đá (Cổ Đông, Sơn Tây) |
Góc khuất của những người đàn bà chạy chợ
10h sáng Chủ nhật, ở một góc chợ Bãi Đá (Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) tiếng nhạc sôi động vang lên. Các chị em bán hàng vội vã dừng tay, í ới gọi nhau đi tập. Dưới sự hướng dẫn của các Huấn luyện viên, họ - những người phụ nữ vốn chỉ mong làm sao hôm nay bán hết hàng, làm sao không bị lỗ… vui vẻ nhảy theo những nhịp điệu. Cánh tay họ giơ lên cao, những bước chân vẫn còn lúng túng nhưng khuôn mặt họ đã giãn ra theo những tiếng reo vui… Dường như, mọi lo toan đã biến mất.
Một thành viên rất tích cực tham gia lớp học nhảy, chị Minh – một phụ nữ bán vú sữa và ổi tại chợ cho biết, chị đã từng bị chính chồng mình giết hụt 3 lần. Những trận đòn và sự hành hạ cả thể chất lẫn tinh thần diễn ra thường xuyên, suốt nhiều năm nên chị mặc nhiên chấp nhận như một lẽ tất yếu của cuộc sống. Vì nghĩ, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” nên chị gói nỗi đau cất kín nơi sâu thẳm tâm hồn, nén sống vì các con.
“Tiền chợ mỗi ngày chưa kịp ấm túi đã bị chồng lột sạch. Thậm chí có những hôm anh mang bồ về nhà bắt tôi nấu cơm cho anh và cô ấy ăn. Uất nghẹn, nhưng không lẽ cầm giao giết? Như thế bia đời. Thế nên tôi đành câm nín” – chị Minh kể lại.
Vẫn theo lời Minh thì sau khi gặp được chị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) chị đã được giải cứu. Khi chính quyền cùng với hội phụ nữ nơi chị sinh sống đến làm việc, chồng chị đã cam kết không đánh vợ.
“Không những được tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, tôi còn được cô Vân Anh mua hàng và mới đây lại được cô mang người về dạy cho chúng tôi học nhảy. Tất cả đều được miễn phí. Dù chưa biết tới đây sẽ ra sao, nhưng đến thời điểm này, cuộc sống của tôi đỡ căng thẳng hơn rất nhiều” – chị Minh ngân ngấn nước mắt kể lại.
Với công việc phòng chống bạo lực gia đình, chị Nguyễn Vân Anh cho biết, khi lên Chợ Bãi Đá, gặp những người phụ nữ mà chị mua hàng và qua tìm hiểu thì họ là những phụ nữ bị bạo lực kinh khủng. Số lượng này không phải ít, thậm chí có cả những người là vợ bộ đội.
“Tôi đã làm việc với xã Cổ Đông, HLH PN Thị xã Sơn Tây đề xuất xây dựng mô hình chợ văn minh. Qua tìm hiểu tôi biết chị em vẫn chưa hiểu lắm về gia đình nhưng muốn tuyên truyền để họ nghe thì trước hết họ phải bán được hàng. Do đó, tôi đã làm chợ online để mua hàng và bán cho mọi người… Gần một năm duy trì tôi đã quen hết các chị ở chợ và chọn lọc những người bán hàng tốt, bán hàng đúng và mua rất nhiều cho các chị ấy. Khi mà lượng người mua hàng đông lên, tôi mới quay sang dạy cho các chị cách hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực gia đình và cách mọi người thoát ra khỏi nó” – chị Vân Anh kể lại.
Cứ cho đi sẽ nhận lại thật nhiều
Nói về lý do vì sao lại mang bộ môn nhảy về một chợ ở vùng ven cho các chị em tiểu thương, chị Nguyễn Vân Anh cho biết, bản thân chị từng tham gia nhiều lớp học và nhận thấy, đây là cơ hội được giải phóng thân thể.
“Việc vận động cơ thể đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình rất quan trọng. Bởi anh phải giải phóng được thân thể anh mới giải phóng được cái đầu của anh. Khi anh giải phóng được thân thể, các cơ mềm ra sẽ hỗ trợ rất lớn việc mở mang đầu óc…”- chị Nguyễn Vân Anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Vân Anh (trái ảnh) trao đổi với Vũ Thị Thùy Linh (phải ảnh) về chương trình dạy nhảy miễn phí cho các chị em tiểu thương |
Không giấu được niềm vui, người phụ nữ đấu tranh dữ dội cho quyền bình đẳng của phái nữ này nói thêm, rất mừng khi tìm được La Zum3 đã đồng hành cùng chị cho việc “giải phóng” phụ nữ thông qua việc dạy nhảy. “Theo kế hoạch, chợ Bãi Đá là điểm đầu tiên, tiến tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này tại các chợ vùng xứ Đoài và rất có thể sẽ tiến vào nội đô. Với chương trình này, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo ra một phong trào bán thực phẩm an toàn với các tiểu thương tại các chợ. Đồng thời, tham gia chương trình, tiểu thương sẽ được dạy nhảy miễn phí, học các kỹ năng chống bạo lực gia đình, xây dựng hạnh phúc - miễn phí”- chị Vân Anh kỳ vọng.
Trao đổi thêm về chương trình học nhảy miễn phí này, chị Vũ Thị Thùy Linh, người sáng lập La Zum 3 chia sẻ, bản thân là người thích tham gia các hoạt động xã hội từ thiện với tâm niệm “cho đi là để nhận về”, và cái sự cho đi ấy luôn “được nhiều hơn mất” nên ngay từ thời còn là sinh viên, chị đã tham gia rất nhiều các hoạt động thiện nguyện. Trong số này phải kế đến hoạt động lập “tủ sách” cho học sinh các trường vùng cao.
“Một mình kêu gọi sự chung tay của mọi người, một mình loay hoay đi tìm nguồn sách. Không đủ tiền mua sách mới, Linh “lê la’ không thiếu một hàng sách cũ nào trên đường Láng để đặt họ thu gom. Có chủ đại lý tốt, nhưng cũng có người lừa cả tiền của Linh (gửi họ để gom sách). Lúc ấy Linh còn trẻ quá nên không dám cãi nhau đến cùng mà lẳng lẳng bù lại số tiền đã mất” - Linh kể lại. Sau thời gian miệt mài, ngược xuôi từ Hà Nội đến Hà Giang, Linh đã thiết lập được 21 tủ sách với hàng nghìn đầu sách tại các điểm trường vùng cao.
Từ ngày thành lập La Zum3, Linh đã cùng nhiều Huấn luyện viên tham gia rất nhiều các hoạt động cộng đồng, ví dụ như bữa tiệc vũ điệu World Cup Hồng 2014, flashmob với sinh viên trường Đại học Y Hà Nội, ghi hình trong cầu truyền hình trực tiếp nhân ngày 60 năm Giải phóng Thủ đô… Cũng chính Linh đã từng tổ chức nhảy Zumba xếp hình hoa mừng ngày Nhà giáo Việt Nam được đưa vào kỷ lục Guiness Việt Nam năm 2013.
Với chương trình phối hợp với CSAGA, Linh cho biết, hàng ngày sẽ có huấn luyện viên đến chợ dạy miễn phí cho các chị em. Linh hy vọng, thông qua hoạt động nhảy múa không chỉ giúp ích cho chị em về mặt thể chất mà còn làm cho tâm hồn tươi trẻ, gần gũi và cởi mở với nhau hơn.
“Khi phụ nữ tự tin và biết yêu bản thân, sẽ rất nhiều điều tích cực sẽ tới. Và, tôi rất muốn hoạt động này được diễn ra lâu dài” – Linh chia sẻ.
Clip các chị em tiểu thương học nhảy: