Ồ ạt khuyến cáo tiêm phòng viêm não Nhật Bản, có lo thiếu văc-xin?
"Trước đây bệnh viêm não Nhật Bản có đỉnh, bệnh theo mùa nhưng bây giờ vi – rút vẫn lưu hành quanh năm cho nên bất cứ thời điểm nào cũng nên đi tiêm, đặc biệt thời điểm này bệnh có thể gia tăng”, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khuyến cáo
Vì sao khuyến cáo tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản vào thời điểm này? (Ảnh minh hoạ) |
Thời gian vừa qua, nhiều trường học liên tục nhắn tin cho các phụ huynh khuyến cáo học sinh tiêm phòng viêm não Nhật Bản. Trao đổi với phóng viên về việc này, BS. Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao và thường để lại những di chứng nặng nề cho bệnh nhi.
Trong tuần vừa rồi ghi nhận ca mắc viêm não do đó ông Tuấn cho biết vẫn khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng. “Đặc biệt các đối tượng chưa được tiêm trong chương trình tiêm chủng quốc gia thì nên tiêm vì bây giờ vẫn đang mùa vải- mùa viêm não.
Trước đây bệnh viêm não Nhật Bản có đỉnh, bệnh theo mùa nhưng bây giờ vi – rút vẫn lưu hành quanh năm cho nên bất cứ thời điểm nào cũng nên đi tiêm, đặc biệt thời điểm này bệnh có thể gia tăng”, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.
Tương tự, TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TW thông tin, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận gần 100 trường hợp trẻ bị viêm não, trong đó có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản.
“Cha mẹ cần hết sức cảnh giác vì mùa hè là mùa cao điểm của viêm não Nhật Bản (tháng 5-7). Tại nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, viêm não do vi rút herpes chiếm hàng đầu. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây cũng nổi lên nhiều bệnh nhân viêm não do herpes, tuy nhiên số liệu phân tích và nghiên cứu cho thấy viêm não Nhật Bản vẫn đứng hàng đầu.
Điều đáng nói trong những năm gần đây ghi nhận bệnh ở một số trẻ lớn, tình trạng nặng. Qua khai thác, hầu hết trẻ đều chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Có trường hợp trẻ lớn tuổi đã tiêm 3 mũi nhưng chưa tiêm nhắc lại”,TS Nguyễn Văn Lâm cảnh báo.
Tại BV Nhi Trung ương, trung tuần tháng 6 đã ghi nhận trường hợp bệnh nhi 10 tuổi (Hải Dương) bị viêm não Nhật Bản nhưng di chứng giảm chức năng vận động, cần 6 tháng đến 1 năm mới có thể phục hồi.
Trước đó, thấy con trai kêu sốt, đau đầu mẹ bé nghĩ con chỉ bị ho sốt bình thường nên cho uống hạ sốt. Thấy cơn sốt hạ, hết đau đầu nên người mẹ nghĩ con chỉ bệnh thông thường. Song đến ngày thứ 3 trẻ sốt cao trở lại kèm theo co giật. Lúc này gia đình vội đưa con đến BV Nhi Hải Dương. Được một ngày, trẻ được chuyển đến BV Nhi TW.
Trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng, thở oxy qua mask, ý thức li bì, bắt đầu có xu hướng hôn mê, tăng áp lực sọ não. Trẻ được điều trị theo phác đồ viêm não, chống phù não, hạ sốt chống co giật… Sau 10 ngày điều trị tích cực, trẻ qua cơn nguy kịch nhưng di chứng yếu một nửa người.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, thường sau khi tiêm đủ ba mũi phòng viêm não Nhật Bản, trẻ phải tiêm nhắc lại 3-5 năm cho đến khi 15 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã lớn lại bỏ qua mũi tiêm nhắc lại này. Trường hợp bé trai 10 tuổi ở Hải Dương là ví dụ điển hình khi tiêm mũi 3 cách mũi 2 tới 2 năm (trong khi theo lịch là 1 năm) và không tiêm nhắc lại cho đến đủ 15 tuổi.
Hiện nay, có khoảng 50-60% ca viêm não có thể xác định được căn nguyên, còn lại tới 40% không tìm ra nguyên nhân với tỷ lệ tử vong là 5-7%. Với viêm não Nhật Bản, hiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh, vì thế cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian.
Việc tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản, BS Khổng Minh Tuấn cho biết người lớn có thể đưa trẻ đến các trạm y tế xã, phường. Tiêm mũi vắc xin viêm não Nhật Bản ở những nơi này sẽ được miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nếu người dân không chờ được đúng ngày, thì có thể đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng dịch vụ.
Viêm não Nhật Bản là bệnh có tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, để phòng bệnh chủ động các chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất (tiêm đúng lịch, đủ mũi, tiêm nhắc lại).
Vắc xin viêm não Nhật Bản được sản xuất trong nước với giá thành không quá đắt. Đây là loại vắc xin không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu, nên ông Khổng Minh Tuấn khẳng định “vắc xin vẫn đủ, không thiếu nguồn cung”.
Lịch tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em 1-5 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng: Mũi 1 khi trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 khoảng 1- 2 tuần, mũi 3 được tiêm nhắc lại sau 1 năm tiêm mũi 2. Đặc biệt sau 3- 5 năm tiếp tục tiêm nhắc lại đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
N. Huyền
Một trẻ tử vong, một nguy kịch: Cách duy nhất phòng bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu đang xảy ra tại Tây Nguyên, Đắk Nông đã ghi nhận 1 bệnh nhi 9 tuổi tử vong do bạch hầu biến chứng và hiện có 1 bệnh nhi 13 tuổi vẫn đang bị biến chứng nặng của bạch hầu chuyển lên TP.HCM điều trị tiếp tục.