Nước lũ dâng cao bao vây, người dân Trung Quốc sơ tán khỏi đảo
Người dân trên đảo Giang Châu nằm giữa sông Trường Giang của Trung Quốc đang nhanh chóng đi sơ tán khi nước lũ không ngừng dâng cao.
Trận lụt lịch sử năm 1998 từng tàn phá toàn bộ thị trấn Giang Châu nằm trên hòn đảo giữa sông Trường Giang của Trung Quốc. Hơn 20 năm trôi qua, người dân địa phương lại đang lo sợ nguy cơ thảm họa thiên nhiên lặp lại, trong bối cảnh nước lũ không ngừng dâng cao sau khi tàn phá nhiều khu vực rộng lớn ở phía đông và phía nam Trung Quốc.
“Mực nước trên sông Trường Giang đã vượt trên chiều cao của các con đê thông thường. Thậm chí, nước còn dâng trên cả loạt bao cát đầu tiên mà chúng tôi dựng để hộ đê. Ngay cả khi chúng tôi đắp loạt bao cát thứ hai, tình trạng này vẫn lặp lại. Giờ chúng tôi đang đắp loạt bao cát thứ ba. Chúng tôi thực sự lo ngại trước tình hình hiện nay”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Shi Yuhua, một nhân viên tuần tra và canh gác đê.
“Vào năm 1998, con đê đã bị vỡ chỉ một thời gian ngắn sau khi dòng nước lũ đổ vào. Toàn bộ hòn đảo ngập chìm trong nước”, ông Shi nhớ lại.
Thị trấn Giang Châu nằm trên hòn đảo giữa sông Trường Giang. Tình trạng nước lũ liên tục dâng cao thêm khiến người dân địa phương vô cùng lo sợ.
“Nhiều người dân trên đảo có những khu vực canh tác quy mô lớn. Một vài trang trại còn rộng tới hàng trăm mẫu và thậm chí là hơn 1.000 mẫu. Nếu như nước lũ dâng lên quá cao, toàn bộ mùa màng sẽ chìm trong nước và người dân sẽ bị thất thu. Thiệt hại kinh tế là vô cùng lớn”, ông Shi nói thêm.
Để khắc phục tình hình, chính phủ Trung Quốc đã cho huy động các binh sĩ quân đội tới hỗ trợ người dân trên đảo điều tiết dòng nước lũ. Cụ thể, các quân nhân đang đắp thêm bao cát và xây thêm các con đê phòng hộ. Nhiều cư dân sinh sống lâu năm ở thị trấn Giang Châu quyết định ở lại và tham gia công tác hỗ trợ ngăn nước lũ tràn vào khu vực dân sinh.
“Cứ 30 phút, chúng tôi lại tuần tra đê 1 lần để xem có chỗ nào bị nứt hay không. Đảo Giang Châu đang đối mặt với nguy cơ bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng. Đây là quê hương của tôi. Do đó, tôi quyết định ở lại đây vài ngày để đóng góp một phần nhỏ công sức”, anh Gao Xuewu, một cư dân trên đảo chia sẻ.
Các quan chức địa phương đã yêu cầu toàn bộ người dân dưới 18 tuổi và trên 65 tuổi rời khỏi hòn đảo để đảm bảo an toàn tính mạng.
“Bố tôi đã lớn tuổi và không hề an toàn khi ở lại đảo trong khi nước lũ vẫn tiếp tục đổ về. Do đó, tôi quyết định đưa gia đình mình tới lánh nạn ở thành phố Cửu Giang”, anh Xu Qiong ngồi trên chiếc ô tô qua phà cho hay.
"Toàn bộ nhà cửa trong ngôi làng mà tôi sinh sống trên đảo đã bị phá hủy trong trận lụt lịch sử năm 1998. Chúng tôi lo sợ trận lụt năm nay sẽ nghiêm trọng như sự việc lịch sử. Đây chính là lý do mà nhiều người chọn phương án mua nhà ở thành phố Cửu Giang kế bên”, cô Hu Ruihong nói về quyết định rời đảo.
“Chúng tôi đã tiến hành xây thêm đập bằng cách chồng những bao cát từ 5 ngày qua. Chúng tôi sẽ đắp các bao cát cao thêm, nếu như nước lũ tiếp tục dâng. Nước lũ năm nay tràn vào rất nhanh. Mọi chuyện sẽ được cải thiện, nếu như nước nhanh chóng rút xuống. Nhưng nếu nước lũ vẫn rình rập một thời gian dài, mọi chuyện sẽ nguy hiểm vì lúc này các con đê không còn vững chắc nữa “, anh Liu Liangwu, một kỹ thuật viên hộ đê cho biết.
Quan chức Ấn Độ dầm mình trong nước lũ sơ tán dân và gia súc
Một quan chức Ấn Độ không ngại dầm mình trong nước lũ để sơ tán dân và gia súc khỏi vùng lũ ở bang Assam.
Minh Thu (lược dịch)