Chị em 'phát sốt' với loại nước ép cỏ lúa mì làm trắng sáng da, giảm cholesterol
Theo đó, chỉ cần cắt ngắn 100g mầm cỏ cho vào máy ép hoặc dùng máy xay sinh tố xay cùng 1 lít nước rồi lọc uống liền trong 1 ngày. Với giá thành trung bình từ 40.000 – 50.000 đồng/lạng cỏ tươi người bán hàng khuyến khích mọi người “nên dùng thử” chắc chắn sẽ “nghiện” vì thức uống này làm sáng da, bổ sung diệp lục, cung cấp chất dinh dưỡng, loại bỏ tế bào ung thư, giảm cholesterol…
Nghe bạn bè mách, chị Hà Thu (Cầu Giấy) cũng đặt mua trên mạng 2 lạng cỏ lúa mì tươi về xay lấy nước uống. Một chai chị để tủ lạnh uống trong ngày, 1 chai chị cho em gái đang bầu uống vì “nghe bà bán hàng nói bà bầu uống rất tốt”.
“Vị hơi lạ lạ nhưng thanh mát, nhất là khi mix với dứa thì khá thơm. Tôi uống không sao nhưng em gái ngay sau cốc đầu tiên bụng đã đau âm ỉ. Tôi phát hoảng, bảo em đổ đi ngay không uống nữa. May mà con bé cũng chỉ bị rối loạn tiêu hoá nhẹ. Nó mà làm sao thì tôi ân hận cả đời”, chị Thu phân trần.
Vậy thực hư tác dụng của loại cỏ lúa mì này ra sao?
Trao đổi với phóng viên Infonet, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong 100g cỏ lúa mì có chứa các thành phần dinh dưỡng: Năng lượng – 200 kilocalo; Glucid – 43g; Protein – 7,5g; Chất béo – 1,25g; Vitamin B2 – 0,156 mg; Vitamin C – 2,5 mg; Natri – 15 mg; Phốt pho – 201 mg; Sắt – 2,15 mg; Chất xơ – 1g; Vitamin B6 – 0,266 mg; Vitamin B1 – 0,224 mg; Kẽm – 1,66 mg; Kali – 170 mg; Magie – 81 mg; Canxi – 30 mg; Nước – 48g.
Trên một số tài liệu ở nước ngoài cho thấy cỏ lúa mì có nhiều tác dụng như: làm trắng sáng da, cải thiện rối loạn đường trong máu, phòng ngừa sâu răng, làm lành vết thương, phòng ngừa nhiễm khuẩn, loại bỏ chất độc khỏi gan và máu.
Thậm chí một số tài liệu lại cho rằng cỏ lúa mì có chứa các chất có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư, có tác dụng ngăn ngừa tóc bạc, giảm huyết áp cao, cải thiện tiêu hoá và giảm cholesterol…
“Dù được sử dụng để cải thiện tình trạng sức khỏe, nhưng cho đến nay không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh loại cỏ này hỗ trợ hiệu quả cho bất kỳ bệnh nào do đó người dân nên thận trọng khi sử dụng, đặc biệt với phụ nữ đang mang thai”, TS. Nguyễn Trọng Hưng phân tích.
Theo đó, dù nhiều dinh dưỡng nhưng đối với phụ nữ mang thai, cỏ lúa mì có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
Cỏ lúa mì thường phát triển trong điều kiện ẩm ướt, do đó nó có thể chứa nhiều vi khuẩn và nấm mốc. Nếu ăn phải cỏ lúa mì sống có chứa các loại vi khuẩn này, bạn có thể bị đau đầu, buồn nôn. Những phụ nữ bị dị ứng với gluten hoặc celiac sẽ có nguy cơ mắc phải các triệu chứng này cao hơn.
Các chất chống oxy hóa mạnh có trong cỏ lúa mì có thể giúp cơ thể loại bỏ độc tố nhưng nó cũng có thể tác động trực tiếp đến thai nhi, gây dị tật bẩm sinh hoặc thậm chí sảy thai.
“Sử dụng quá nhiều cỏ lúa mì có thể dẫn đến tiêu chảy và nôn mửa. Điều này sẽ gây ra sự mất cân bằng giữa các chất dinh dưỡng quan trọng trong thai kỳ”, TS. BS Trọng Hưng cảnh báo.
Ngoài ra, trên thị trường hiện nay cũng có các loại bột cỏ lúa mì có sẵn, tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sản phẩm này thường được chế biến trực tiếp mà chưa qua sơ chế, không được kiểm định, bán trôi nổi trên mạng, không có địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng. Do đó, các loại cỏ này sẽ có nguy cơ chứa vi khuẩn rất cao. Nếu bạn dùng phải những loại cỏ có chứa vi khuẩn gây bệnh thì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.
Do đó, TS. BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng nếu như chưa từng uống nước ép cỏ lúa mì thì bạn không nên thử, đặc biệt chị em đang mang thai. Nếu đã dùng rồi thì ở giai đoạn bầu bí, chị em cũng không nên sử dụng nước ép cỏ lúa mì tươi.
Đáng lưu ý với chị em muốn có làn da trắng sáng khoẻ thì không phải chỉ nước ép cỏ lúa mì mới mang lại tác dụng. Điều quan trọng nhất là phải duy trì chế độ ăn uống khoa học (không lạm dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê) kết hợp với chế độ luyện tập (mỗi ngày dành thời gian tập thể dục tối thiểu 30 phút), không thức quá khuya, tránh stress…
N. Huyền