Nước cực kỳ tốt cho cơ thể nhưng uống nhiều nguy hiểm thế nào?
Theo các chuyên gia, nước rất tốt cho cơ thể nhưng bạn chỉ nên uống nước vừa đủ, không nên uống quá nhiều có thể lợi bất cập hại
Bác sĩ dinh dưỡng chỉ thói quen sai lầm cả triệu người mắc khi uống nước
Khi cảm thấy khát mới uống và uống một cốc thật to cho đã cơn khát, vừa ăn vừa uống, uống nước ngọt, trà, cà phê canh thay nước trắng... là những thói quen sai lầm mà rất nhiều người mắc phải khi uống nước.
Nguy hiểm nếu uống nhiều nước
Tại California (Mỹ) từng ghi nhận một phụ nữ 28 tuổi tử vong đột ngột do uống quá nhiều nước ngay sau khi vừa tham gia vào một cuộc thi uống nước. Người ta cho rằng người phụ nữ ấy đã chết vì uống khoảng 2 gallon (tương đương với hơn 7 lít) nước trong suốt cuộc thi.
BS Huynh Wynn Tran – Tổ chức y khoa VietMD, cho biết nước rất tốt cho cơ thể và nếu thiếu nước thì dẫn tới các hiện tượng không tốt cho sức khỏe như thận hư, da khô, mất ngủ, trầm cảm, các bệnh lý về khớp, bệnh lý về chất điện giải.
Nhưng uống nước bao nhiêu thì không phải ai cũng biết. Nhiều khuyến cáo cho rằng uống đủ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày. Nhưng bác sĩ Huynh Wynn cho biết cơ thể mỗi người mỗi khác, mỗi người có sức khoẻ khác nhau, công việc khác nhau, môi trường sống khác nhau nên sẽ không có một con số chung cần uống bao nhiêu lít nước.
Ví dụ như một nam giới lao động chân tay trong điều kiện khí hậu nhiệt đới thì nhu cầu nước uống mỗi ngày phải nhiều hơn 2 lít nước. Bởi vì công việc vất vả cộng thêm nóng nên việc đổ mồ hôi nhiều, mất nước nhiều hơn. Nhưng nếu người làm văn phòng, sống ở vùng ôn đới sẽ cần ít hơn 2 lít.
Ảnh minh họa. |
Nhu cầu nước trong người bình thường mỗi ngày - 40 ml/1 kg cân nặng, theo đó, người 50 kg thì mỗi ngày cần 2 lít nước. Trong 2 lít nước này có thể có cả trong thức ăn hàng ngày nhưng trong bữa ăn không thể cung cấp hơn 1 lít nước.
Tuy nhiên, lý tưởng nhất đó là uống nước khi có phản xạ của cơ thể báo khát. Khi chúng ta thiếu nước, những cảm biến khắp nơi trong cơ thể sẽ báo hiệu chúng ta nên uống nước, đồng thời dùng các biện pháp khác để giữ lại nước trong cơ thể. Nhưng càng lớn tuổi, độ nhạy và cảm biến của cơ thể chúng ta ngày càng yếu đi sẽ không có cảm giác khát thì bạn chủ động uống đủ nước.
Nhưng chỉ cần uống đủ, vì khi thừa nước cơ thể cũng gặp trục trặc. Do có quá nhiều nước, nồng độ muối trong cơ thể loãng đi, khiến chúng ta bị tụt muối hay tụt kali. Nguy hiểm hơn, nếu những người bị yếu tim, uống nhiều nước khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dễ dẫn đến suy tim cấp. Vì vậy, bác sĩ Huynh Wynn khuyến cáo nếu những người có bệnh tim mạch cần tư vấn bác sĩ trước về lượng nước cần uống.
Phân chia lượng uống nước
TS BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết nước có vai trò quan trọng vì cơ thể có tới 70 % nước, nước liên quan tới hấp thu, chuyển hóa, đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Nước được coi là sự sống của con người. Nếu cơ thể chỉ thiếu 2% nước sẽ cảm thấy mệt mỏi, thiếu 10% sẽ nguy hiểm, mất 20% nước có thể tử vong. Nếu như nhịn ăn 2 tháng mới tử vong nhưng bỏ nước 2-3 ngày có thể tử vong.
Uống nước trong ngày hè nên uống lúc chưa khát, vì khi có cảm giác khát - cảnh báo cơ thể đã thiếu nước.
Uống nước bạn nên phân chia thời gian, lượng nước. Ví dụ, vào sáng ngủ dậy uống 200 ml giúp làm cơ thể thanh lọc. Ngoài ra, uống nước trước khi ăn, chơi thể thao 30 phút. Trước khi đi ngủ 1h nên uống nước. Khi uống nước không uống liền lúc cốc to mà uống cốc nhỏ và uống liên tục.
Phân chia lượng nước uống đó là 40% buổi sáng, 40% buổi chiều, 20% buổi tối. TS Sơn cho rằng không cần quá chính xác nhưng có thể quan sát khoảng cách đi tiểu trung bình 3h. Nếu ít nước quá thì thời gian đi tiểu tiện sẽ dài hơn. Hoặc nhìn màu nước tiểu để xem cơ thể có thiếu nước hay không. Nếu uống đủ nước màu nước tiểu vàng nhạt, màu nước tiểu vàng đậm là do chưa đủ nước.
Mùa hè nóng nắng có thể chia ra hai nhóm nước không có độ cồn - nước lọc, nước trái cây, nước giải khát… và nhóm nước có cồn, có ga.
Nhiều người không thích nước lọc vì nó hơi nhạt nhẽo thì có thể uống nước ép trái cây, nước có ga. Tuy nhiên, mỗi loại nước đều có điểm mạnh và điểm yếu. TS Sơn ví dụ nước có lượng cồn thì uống nhiều sẽ ảnh hưởng tới thần kinh, nước ngọt thì tăng nguy cơ béo phì, nước trái cây thì có thể tăng lượng đường máu…
Nếu bạn không tính toán được lượng đường thì tốt nhất nên uống nước lọc, nước trà – TS Sơn cho biết.
K.Chi