Nữ sinh tốt nghiệp loại giỏi, GPA xuất sắc nhưng lại thất nghiệp: Đọc lý do mà dân tình thi nhau phẫn nộ giùm!
Cách cô nữ sinh biện hộ cho lý do thất nghiệp của mình khiến nhiều người không chấp nhận được.
Câu chuyện ra trường thất nghiệp luôn là vấn đề đau đầu với các bạn trẻ. Vì thiếu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công việc hay kỹ năng mà nhiều người liên tục gặp chuyện không ưng ý, rồi phải nhảy việc hay đau lòng hơn là thất nghiệp trong thời gian dài.
Mới đây, dân tình đang xôn xao chia sẻ câu chuyện của 1 nữ sinh thất nghiệp. Như biết bao sinh viên khác, cô nàng này ra trường với bằng giỏi, GPA mức tốt nhưng lại thất nghiệp 1,5 năm.
Điều đáng nói là dường như nữ sinh cho rằng lý do mình thất nghiệp bởi học ngành kén chọn: "Chính trị học".
Nguyên văn dòng confessions chia sẻ như sau:
"Chào các anh/chị/bạn. Mình tốt nghiệp K60 Chính trị học, đã ra trường được 1,5 năm. Bằng giỏi, GPA cũng tạm tạm, 3.3x. Là một sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp. Mình thương bố mẹ lắm, muốn giúp bố mẹ, muốn bố mẹ sung sướng hơn trước mà giờ thì…
Giá như hồi trước học nghề gì đó thì có lẽ giờ này chắc thành nghề tốt rồi, buồn lắm, chẳng ai hiểu được mình cả. Bố mẹ nói: 'Cái bằng cấp Chính trị học như mày thì chỉ có đi làm công nhân', buồn muốn khóc luôn.
Lớp cũ mình học may ra chỉ có rất ít người tìm được công việc trong chuyên ngành... Số còn lại người thì bán hàng thuê, người thì đi làm phục vụ nhà hàng, người thì ở nhà chờ xin việc trong số đông đó có mình một sinh viên thất nghiệp.
Ngày từ lúc học cấp 3 mình cũng đã ao ước được làm trong các cơ quan nghiên cứu về chính trị, trong các tòa soạn báo, các tổ chức phi chính phủ... thế nhưng ra trường thì vỡ lở.
Cạnh nhà mình có anh hàng xóm cũng là một sinh viên thất nghiệp, anh học ngành Đông phương học – một ngành học hot, có bằng cử nhân nhưng về làm công nhân, lúc nào cũng bị các cô các bác hàng xóm dị nghị bàn tán.
Mấy ngày trước con bạn thân hồi cấp 3 gọi điện hỏi thăm nó nói một câu xanh rờn: 'Đấy phải chi ngày trước mày nghe tao học nghề gì đó ít tốn kém lại nhanh có công việc thì giờ không phải ổn định rồi à.
Mày thấy đấy tao đỗ ngành Văn học mà không đi học, lúc đó vì không có tiền, mà nghĩ học xong cũng không có lực mà lo xin việc. Sau khi học xong nghề đi làm tao gửi được tiền cho bố mẹ sửa lại cái nhà, cuộc sống của tao giờ cũng ổn định hơn, xa nhà dù 2 năm nay tao không về nhà nhưng nghĩ vậy là vui rồi con bạn ạ'… Nước mắt mình trào ra khi nào không biết nữa.
Chắc tại 4 năm học mình không cố gắng nên giờ nhận một kết cục như thế này. Cũng đã 1 năm rưỡi trôi qua kể từ ngày học xong rồi, nhìn mấy bạn sinh viên K64, K65 giờ tự nhiên thấy mình già đi nhiều quá. Nếu cứ tiếp tục như thế này mãi thì sau này khi mình 30, 31 tuổi rồi hết cái tuổi trẻ thì sẽ như thế nào nữa, chả lẽ lại đi trông đợi vào nhà chồng?".
Câu chuyện của nữ cử nhân này vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều trên MXH. Bên cạnh đồng cảm với tình cảnh thất nghiệp của nữ sinh, phần lớn dân mạng cho rằng việc cô nàng đổ lỗi không có việc làm do ngành khó học là không hợp lý. Vì cũng có rất nhiều cử nhân ra trường với ngành học này, có chăng do cô nàng "kén cá chọn canh" hoặc không có năng lực thì mới nhận cái kết đắng như vậy.
Bạn Loan Trương cho biết: "K58 Văn học, cũng bằng giỏi như ai. Ra trường đi dạy hợp đồng với mức lương hơn 1 triệu được 2 năm, rồi đang lưu lạc bên Nhật được hơn 1 năm. Nhiều lúc nghĩ nản nhưng chỉ chốc lát lại nghĩ: Thôi ít nhất mình còn khỏe mạnh, còn có gia đình, bạn bè ở bên và mình vẫn có thể đi làm nuôi sống chính mình, thế là ổn".
Bạn Hà Chan cho biết: "Ơ anh cái nào học Đông Phương mà thất nghiệp thì phải xem lại chứ mình học cũng bình thường nhưng vẫn có việc làm đây. Chả qua có việc riêng nên mới phải bỏ việc đi kiếm cái khác thôi".
Bạn Lương Khải bình luận: "Học gì thì học, vẫn là ấm cái thân mình. Kiểu ở đâu lại đi đổ lỗi cho ngành học và 'giá như' vậy? Bắt tay vào và tìm cách bươn chải đi, làm nghề trái ngành cũng được, đúng ngành cũng được, biết vận dụng tư duy đầu óc là được. Nghĩ thoáng lên ạ".
Tuyển sinh 2021: Học một ngành ra trường có thể làm ngành khác không?
Dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 không có quá nhiều thay đổi so với kỳ thi năm 2020 nhưng nhiều thí sinh vẫn đang băn khoăn về vấn đề điểm số trúng tuyển, ngành học và cơ hội việc làm.
Theo Pháp luật và Bạn đọc