Nữ sinh cấp 2 mang thai: Giáo dục giới tính để lọt nhóm nguy cơ cao nhất?
Nhiều trẻ em gái bị lạm dụng, mang thai ngoài ý muốn sống trong những gia đình hoàn cảnh đặc biệt. Nhà trường cần xác định nhóm các em có nguy cơ về rối loạn hành vi, bị bạo lực tình dục... để có sự quan tâm riêng.
Bé gái mang thai, giáo dục giới tính chưa tới đối tượng cần. (ảnh minh họa) |
Thông tin giáo dục giới tính cần tới với các em có nguy cơ
PGS. TS Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dù vẫn là những vụ việc trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn nhưng các trường hợp gần đây cho thấy nhiều em bị lạm dụng thuộc những gia đình khuyết thiếu bố mẹ, gia đình hoàn cảnh khó khăn.
“Vì vậy những trường hợp này không thể nào đổ hết lỗi cho gia đình được. Đúng là gia đình phải có trách nhiệm nhưng bên cạnh đó đặt ra vấn đề giáo dục giới tính cần phải được chính thức hoá và đưa vào trong cả nhà trường”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Ở lứa tuổi đầu cấp hai, các em cơ bản đã có dấu hiệu dậy thì nên cần được trang bị những kiến thức cũng như kỹ năng hàng ngày liên quan vấn đề giới tính.
Hiện nay, nhiều trường đã bắt đầu chú ý đến dạy kỹ năng sống trong đó có giáo dục giới tính cho học sinh nhưng PGS.TS Trần Thành Nam băn khoăn đặt vấn đề: Sự hỗ trợ này liệu có tới được với những em có nguy cơ cao nhất không?
“Cho nên đối với những nhóm này cần phải đưa vào kế hoạch tổng thể và có kế hoạch sàng lọc của nhà trường. Nhà trường có chương trình chung sau đó phải xác định được những nhóm có nguy cơ về rối loạn hành vi, bị bạo lực tình dục... để có những chuyên đề dành riêng cho những nhóm này.
Những em có vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu, tình dục… có dấu hiệu đặc biệt mà giáo viên nhìn thấy cũng cần phải phân loại.
Điều đó nghĩa là chúng ta cần phải giáo dục hướng đích, hướng đến những nhóm nhỏ. Mà giáo dục với nhóm nhỏ bao giờ cũng thuận lợi, hiệu quả hơn”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Phân loại, giáo dục hướng đích mới mong có hiệu quả
Theo PGS. TS Trần Thành Nam, hệ luỵ với những bé gái mang thai ngoài ý muốn “vô cùng lớn” về cả thể chất và tinh thần. Nếu các em bị cưỡng bức quan hệ tình dục không an toàn sẽ đối diện với nguy cơ trước mắt là mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai tiềm ẩn nguy cơ tổn hại sức khỏe…
PGS. TS Trần Thành Nam |
Mang thai ngoài ý muốn thường trong tình huống mối quan hệ không còn tốt đẹp dẫn đến những trạng thái tâm lý tiêu cực cho trẻ em gái. Thậm chí nếu sự việc bị lộ ra, các trẻ em gái này có thể trở thành nạn nhân bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt, bôi xấu…
“Những gì xảy ra ngoài ý muốn, nhiều tình huống không hoàn toàn tự nguyện mà bị cưỡng bức trong mối quan hệ tống tiền, tống tình… tạo thành những sang chấn tâm lý dẫn tới bị tổn thương, thậm chí có thể thay đổi cả cách nhìn, thế giới quan về các mối quan hệ gia đình về sau. Những nghiên cứu đã chứng minh rằng những bé gái chịu sang chấn tâm lý trong mối quan hệ yêu đương thời trẻ thì tỷ lệ ly hôn sau khi lập gia đình cao hơn”, PGS. TS Trần Thành Nam cho biết.
Hậu quả của những vụ việc mang thai ngoài ý muốn khi còn quá nhỏ là nghiêm trọng nhưng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng việc chú trọng nhiều hơn đến giáo dục giới tính trong trường học.
Các bài giảng tại trường học phải được tích hợp nhiều hình thức như video, clip, hình ảnh… để học sinh dễ hiểu vấn đề.
PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: “Giáo dục giới tính cần phải cá nhân hoá đến tận từng nhóm đối tượng (nguy cơ cao, nguy cơ thấp). Gia đình nói chung và nhà trường nói riêng cần có những chương trình giáo dục giới tính nhắm đến nhóm đối tượng, lứa tuổi cụ thể.
Ví dụ như cấp một chú trọng đến việc giáo dục phòng tránh xâm hại, dạy cho trẻ ý thức về cơ thể, tôn trọng cơ thể, không gian an toàn… Nhưng đến cấp hai, khi trẻ ở tuổi dậy thì với bản năng hấp dẫn giới tính trỗi dậy thì lại phải dạy trẻ về tình yêu, tình bạn, tình dục, sức khoẻ sinh sản và các biện pháp tránh thai an toàn".
Ngoài ra, theo PGS. TS Trần Thành Nam, giáo viên phải có năng lực nhận diện những dấu hiệu nguy cơ, ở cấp nào thì có hoạt động phòng ngừa hướng đích cụ thể. Đồng thời việc ngăn ngừa cũng là trách nhiệm của cộng đồng, có tai mắt của nhiều bên để phát hiện những nguy cơ trẻ bị xâm hại, trẻ có bất thường.
“Tại sao lại để tình trạng bảo vệ trường học ép buộc nữ sinh lớp 7 quan hệ cả năm trời mà nhà trường không phát hiện ra? Rồi những vụ nữ sinh lớp 8, 9 mang thai nhiều tháng thì mới phát hiện... Chỉ khi cả gia đình và nhà trường cùng chung tay vào cuộc, xã hội quan tâm thì mới mong giảm bớt được những tình huống đau lòng như thế này”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
N. Huyền