Nữ doanh nhân Trung Quốc chấp nhận nộp phạt để sinh 7 người con
Bất chấp phải nộp khoản phí phạt 155.000 USD, một nữ doanh nhân ở Trung Quốc vẫn quyết định sinh tới 7 người con.
Ngày càng nhiều phụ nữ ở Trung Quốc lựa chọn trì hoãn sinh con hoặc không sinh đứa con nào, nhưng một nữ doanh nhân ở quốc gia này lại đi ngược xu thế khi quyết định sinh tới 7 người con.
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc thi hành chính sách sinh 2 con, những người vi phạm sẽ bị xử phạt. Song theo cô Zhang Rongrong (34 tuổi) và người chồng năm nay 36 tuổi, họ hạnh phúc dù phải nộp phạt số tiền khá cao, nhưng đổi lại họ có được “những đứa con hoàn hảo”.
Cô Zhang và 7 người con. (Ảnh: SCMP) |
Theo đó, gia đình cô Zhang đã phải nộp số tiền phạt hơn 1 triệu nhân dân tệ (155.000 USD) cho chính quyền địa phương vì có số con vượt quy định. Trong khi đó, vào khoảng thời gian 6 năm trước, phần lớn phụ nữ ở Trung Quốc chỉ có thể sinh 1 con.
Nếu như cô Zhang không nộp phí phạt, 7 đứa con của cô gồm 5 trai và 2 gái trong đó có 2 cặp sinh đôi trong độ tuổi từ 1 – 14, sẽ không được cơ quan chính quyền cấp cho những giấy tờ cá nhân quan trọng.
Cô Zhang hiện điều hành một nhà máy may mặc và một công ty buôn bán trang sức cùng một doanh nghiệp chăm sóc sắc đẹp ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc.
Cô Zhang sinh ra và lớn lên ở vùng Triều Sán thuộc phía đông tỉnh Quảng Đông, nơi theo truyền thông các gia đình thường sinh đông con và luôn muốn sinh con trai. Nhưng việc có tới 7 người con như cô Zhang là trường hợp hiếm.
“Nhiều gia đình có từ 3 – 4 người con, bởi theo tục lệ người dân ở Triều Sán luôn muốn sinh con trai hơn là con gái. Nếu như 2 đứa con đầu là con gái, họ sẽ cố sinh đứa thứ 3 và 4 để có con trai. Còn tôi sinh con là ngẫu nhiên”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Zhang.
Cũng theo cô Zhang, quyết định sinh nhiều con không xuất phát từ vấn đề giới tính, bởi 2 đứa con đầu lòng của cô đã là 1 trai và 1 gái. Sinh đông con vì cô Zhang không muốn mình bị cô đơn.
“Khi chồng tôi đi công tác, những đứa con lớn cũng đi học, tôi vẫn còn những đứa nhỏ ở nhà. Khi tôi về già, chúng có thể tới thăm tôi nhiều lần”, cô Zhang chia sẻ.
Trong bối cảnh giá nhà tăng chóng mặt, chi phí cho giáo dục cao, chi phí chăm sóc y tế ngày càng gia tăng khiến việc sinh và nuôi dạy 1 đứa trẻ ở Trung Quốc trở nên đắt đỏ. Nhưng với cô Zhang, việc có 1 gia đình đông con mới đáng giá.
Lo ngại về tình trạng già hóa dân số nhanh chóng và tỷ lệ sinh sụt giảm mạnh, chính phủ Trung Quốc đã từ bỏ chính sách 1 con vào năm 2015, khi cho phép các cặp vợ chồng được sinh 2 con. Năm 2016, Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ sinh gia tăng nhưng sau đó số trẻ được ra đời lại sụt giảm từ đó tới nay.
Vào năm 2019, số trẻ mới sinh ở Trung Quốc giảm 580.000 trẻ so với năm 2018 xuống còn 14,65 triệu trẻ. Đây là mức sinh thấp nhất ở Trung Quốc kể từ năm 1961.
Hàng ngày, cô Zhang đưa từng đứa con tới trường và để những đứa nhỏ ở nhà với bảo mẫu. Tới trưa, cô tới nhà máy may mặc để làm việc.
Cô Zhang cũng thừa nhận luôn khao khát bản thân có thể trở thành một nữ doanh nhân thành đạt, nhưng thành công trong tương lai sẽ bị cản trở vì việc có nhiều con.
“Tôi biết bản thân không thể đạt được những thành công lớn hơn trong tương lai. Nếu tôi chỉ chú tâm tới công việc, tôi không thể chăm sóc cho gia đình mình. Và tôi đã đưa ra lựa chọn cho bản thân”, cô Zhang cho hay.
Cô Zhang cho biết, cô không phải là người quyết định sẽ dừng sinh thêm con mà là chồng cô. Chồng cô Zhang đã cắt ống dẫn tinh sau khi họ sinh đứa con thứ 7 vào năm 2019, bởi công việc bận rộn khiến anh này không có thời gian dành cho gia đình.
“Anh ấy thích các hoạt động ngoài trời, nhưng vì nhà có đông con nên mỗi khi ra ngoài chúng tôi có rất nhiều thứ và nhiều việc phải làm. Anh ấy vẫn thường nói đùa rằng ‘Tại sao chúng ta lại không sinh thêm con nhỉ?’”, cô Zhang tâm sự.
Khi được nhiều người đặt câu hỏi liệu quá trình sinh và nuôi dạy 7 người con có quá vất vả với cô Zhang.
“Trên thực tế, tôi không cảm thấy mệt mỏi. Nó giống như một điệu nhảy, nếu bạn muốn nhảy, bạn có thể thoải mái làm ngay cả khi phải đổ mồ hôi luyện tập. Bọn trẻ đều rất hạnh phúc. Và tôi đảm bảo tôi có đủ năng lực tài chính để lo cho những đứa con còn nhỏ”, cô Zhang kết luận.
Vì sao Triều Tiên thay đại sứ ở Trung Quốc sau 11 năm?
Việc thay thế đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc sau 11 năm cho thấy, Bình Nhưỡng muốn tái thúc đẩy thương mại với Bắc Kinh sau thời gian dài phong tỏa biên giới.
Minh Thu (lược dịch)