Nộp phạt vi phạm giao thông cách nào nhanh và minh bạch nhất?
Khi vi phạm giao thông, người vi phạm cần phải nộp phạt cho cơ quan có thẩm quyền theo nhiều cách. Trong trường hợp đặc biệt, người vi phạm có thể làm thủ tục xem xét miễn, giảm tiền phạt.
5 cách nộp phạt giao thông nhanh nhất theo quy định hiện hành
1 – Nộp phạt tại chỗ cho CSGT theo Khoản 1 Điều 56 và Khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
2 – Nộp tại Kho bạc Nhà nước theo điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP và Khoản 17 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP;
3 – Nộp phạt tại Ngân hàng thương mại theo điểm a Khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP;
4 – Nộp phạt tại bưu điện theo điểm a Khoản 1 Điều 10 Nghị định 81/2013/NĐ-CP;
5 – Nộp phạt trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo Quyết định 411/QĐ-TTg.
Khi vi phạm giao thông, người vi phạm cần phải nộp phạt cho cơ quan có thẩm quyền. (Ảnh minh họa) |
So sánh việc phải nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến với việc nộp phạt vi phạm giao thông tại các kho bạc, bưu điện hoặc ngân hàng thì việc nộp phạt trực tuyến (qua smartphone hay trên máy tính) sẽ tiện lợi hơn cho người nộp phạt; thông tin cũng rõ ràng và minh bạch hơn.
Để thực hiện việc nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến, người dân truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia, chọn mục Thanh toán vi phạm giao thông và nhập thông tin đầy đủ là có thể tiến hành nộp phạt được.
Hướng dẫn nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến
Bước 1: Truy cập vào link tra cứu/thanh toán vi phạm giao thông trên cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-vi-pham-giao-thong.html
Có hai phương thức tra cứu biên bản nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến. Đó là tra cứu theo mã quyết định hoặc tra cứu theo biên bản vi phạm.
Với tra cứu mã quyết định, bạn cần biết mã quyết định xử phạt của mình là gì, thường sẽ nằm ở góc bên trái biên bản quyết định xử phạt.
Còn với tra cứu theo biên bản vi phạm thì bạn cần cung cấp các thông tin như: Họ tên vi phạm, chọn tỉnh/thành phố mà bạn vi phạm luật an toàn giao thông, đơn vị lập biên bản xử phạt, chọn ngày vi phạm theo ngày/tháng/năm.
Cuối cùng là ghi mã bảo mật và bấm Tra cứu ở dưới.
Người vi phạm giao thông có thể tra cứu và thanh toán tiền phạt qua cổng dịch vụ công quốc gia. |
Sau đó, bạn sẽ được chuyển sang mục chọn ngân hàng để nộp phạt và làm theo hướng dẫn để nộp phạt số tiền vi phạm trong biên bản.
Hãy nhớ cung cấp thông tin chính xác để có thể nhanh chóng tạo kết nối giữa người vi phạm - CSGT - Kho bạc, giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp phạt.
Trong trường hợp đặc biệt, cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên nếu không có khả năng nộp phạt thì có thể làm đơn đề nghị xem xét miễn, giảm tiền nộp khi đáp ứng 2 điều kiện: Đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn; Có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.
Lưu ý, chỉ có cá nhân được miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm hành chính; tổ chức không được miễn, giảm.
Thủ tục xin miễn, giảm tiền nộp phạt
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt, trong đó nêu rõ: Lý do đề nghị miễn, giảm tiền phạt; giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, chi phí chữa bệnh, bệnh hiểm nghèo và số tiền phạt đề nghị miễn, giảm (phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt);
Trường hợp thiệt hại về tài sản, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường (nếu có) thì phải kèm theo bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm (nếu có);
Xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi làm việc. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ.
Bước 2: Gửi hồ sơ tới người đã ra quyết định xử phạt.
Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã quyết định xử phạt chuyển đơn kèm hồ sơ đến cấp trên trực tiếp.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị miễn, giảm biết. Nếu từ chối việc miễn, giảm tiền phạt thì phải nêu rõ lý do. Khi đó, người vi phạm có thể chuyển hướng sang xin hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt. Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định (theo Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012).
Mức phạt một số lỗi vi phạm giao thông phổ biến theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP. (Nguồn: LuatVietnam.vn) |
PV (tổng hợp)