Nổi giận vì ATM không chịu nhả tiền ngày Tết
Đi 12 cây ATM không rút được tiền
Anh Lương (Cầu Giấy – Hà Nội) phản ánh với Infonet, sáng 27/1 anh chạy tới 4-5 cây ATM tại khu vực Cầu Giấy mà không thể rút được tiền. Cực chẳng đã anh đành phải tới phòng giao dịch của ngân hàng mà anh là chủ thẻ ATM để rút, nhưng cũng phải xếp hàng chờ tới lượt.
“Tới sát Tết mới có lương, thưởng về tài khoản, thế mà đi rút không được. Không hiểu các bạn ngân hàng làm ăn kiểu gì, định cho dân nghỉ ăn Tết hay sao?”- anh Lương chán ngán.
Kiên nhẫn thực hiện nhiều lần thao tác rút, nhưng máy ATM nhất định không chịu nhả tiền |
Không may mắn như anh Lương vẫn có thể rút được tiền ở phòng giao dịch, chị Hà (Thanh Xuân Nam – Hà Nội) chạy đôn đáo khu vực Thanh Xuân, sang khu Trung Văn gần đó nhưng vẫn phải đầu hàng trước sự “lạnh lung” của máy ATM. “Biết là rút tại ATM khác ngân hàng sẽ bị thu phí, nhưng có phải muốn mất phí mà rút được tiền đâu” – chị Hà nói. Cực chẳng đã, chị Hà gọi tới đường dây nóng của ngân hàng thì được nhân viên tư vấn trấn an: “Chị thông cảm cây ATM chưa kịp nạp tiền, tới trưa sẽ được tiếp quỹ, mong khách hàng cố chờ”. “Ngày Tết nhất cần rút tiền để mua sắm, chi tiêu thế nhưng ngân hàng cứ bắt “nhịn”m thật quá sức chịu đựng – chị than.
Cũng trong cảnh tương tự, anh Bá (làm việc tại một công ty tại Cầu Giấy) bực bội, “hôm qua tôi đi gần hai chục cây ATM, từ khu vực Linh Đàm tới Lạc Long Quân mới rút được tiền. Rút tiền tại cây ATM quả là quá cực”.
Cảnh “chạy vòng quanh” mà không thể rút được tiền tại các cây ATM không phải năm nay mới diễn ra, mà đây đã là câu chuyện “đến hẹn lại lên” dù các nhà băng năm nào cũng hứa “ATM sẽ không trục trặc”.
Đi tới 12 cây ATM mà không rút được tiền, chị Thùy (Phương Mai – Đống Đa- Hà Nội) bức xúc, “quá mệt vì phải vòng vèo nhưng tới cây ATM cuối cùng hy vọng sẽ rút được tiền, thì lại nhận được thong báo “số tiền bạn được rút trong khoảng từ 20.000 đồng đến 80.000 đồng. Ngân hàng quả là chơi khó nhau thía cơ chứ”.
Không chỉ chán nản, bực bội vì máy ATM không chịu “nhả tiền”, chủ thẻ ATM của Vietcombank còn bức xúc vì “rút tiền trong chính tài khoản của mình tại quầy giao dịch nhưng vẫn mất tiền kiểm đếm”.
Anh Nguyễn Đức – một chủ thẻ Vietcombank chia sẻ, anh tới quầy giao dịch rút tiền từ tài khoản và bị ngân hàng thu 11.000 đồng tiền kiểm đếm. Hỏi ra thì được nhân viên giải thích, do anh gửi tiền vào tài khoản và rút trong vòng 3 ngày nên theo quy định ngân hàng sẽ thu phí kiểm đếm. “Giờ chuyển khoản nội mạng cũng đã thu 3.300 đồng/giao dịch, nay lại thu cả phí kiểm đếm của chính chủ thẻ nữa. Vietcombank quả là quá tận thu phí của khách hàng” – anh Văn kể.
Ngân hàng hết cách, "mong thông cảm"
Lường trước tình trạng này, ngay từ cuối tháng 12/2013, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải bố trí tối đa và đảm bảo lượng tiền tại ATM dịp Tết, không được để ATM thiếu tiền. Và các nhà băng đều thông báo đã chuẩn bị kỹ càng để tránh ATM “dở chứng” dịp Tết, nhưng thực tế không phải vậy…
Ông Đào Minh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietcombank – một trong những ngân hàng có lượng chủ thẻ ATM và số lượng cây ATM lớn nhất nước với 1.800 cây ATM cho biết, ngày thường mỗi máy ATM của Vietcombank được tiếp quỹ 1 lần, nhưng tới dịp Tết ngân hàng đã tăng tiếp quỹ lên 3 lần/ngày. Ở các khu công nghiệp Vietcombank tiếp quỹ tới 6-7 lần/ngày. Nhưng dịp cuối năm thường người lao động dồn lấy tiền nhiều nên có thể xảy ra tình trạng thiếu cục bộ, rất mong khách hàng thông cảm.
Còn theo lãnh đạo BIDV, để đảm bảo lượng tiền mặt cho hệ thống máy ATM ngân hàng đã chủ động lập đội tiếp quỹ 24/24 để đảm bảo nhu cầu rút tiền của người dân ước tăng 3-4 lần so với năm ngoái. Hiện BIDV có khoảng gần 1.500 máy ATM khắp toàn quốc.
Các lãnh đạo ngân hàng đều khẳng định, việc đảm bảo tối đa lượng tiền cho ATM thông suốt trong dịp lễ, Tết đã thành thông lệ, nhưng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh việc tiếp quỹ những ngày cận Tết vô cùng khó khăn do giao thông tắc nghẽn.
“Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể nhưng có những nguyên nhân khách quan mong khách hàng thông cảm” – Phó tổng giám đốc Vietcombank nói.
Chia sẻ với Infonet, lãnh đạo Trung tâm thẻ Maritime bank cho biết, lượng giao dịch tăng đột biến trong dịp cuối năm khi người dân tập trung rút tiền để phục vụ chi tiêu, dẫn tới một số thời điểm hệ thống xử lý chậm, trục trặc máy.
“Trục trặc sẽ chỉ xảy ra ở một số thời điểm tại một số máy, nhưng tổng thể chung thì hệ thống ATM của các ngân hàng đủ khả năng phục vụ các giao dịch rút tiền của chủ thẻ. Hiện nay các thiết bị thanh toán cũng đã được lắp đặt rất nhiều tại các nhà hàng, siêu thị, khách sạn, shop hàng hóa…nên chủ thẻ khi mua sắm hàng hóa dịch vụ cũng nên tận dụng để thanh toán khi mua hàng hóa dịch vụ thay vì chỉ rút tiền để thanh toán. Ngoài tra, khách hàng có thể rút tiền trên các máy ATM của ngân hàng khác trong liên minh hệ thống thẻ Smartlink, Banknet… trong trường hợp một ATM nào đó gặp trục trặc”- ông nói.
Với kinh nghiệm quan sát nhiều năm, vị lãnh đạo Trung tâm thẻ đưa lời khuyên, do năm nay có 2 ngày nghỉ trước tết nên thời điểm ngày 25-28 Tết, đặc biệt ngày 29 Âm lịch, dù chưa phải là Tết nhưng sẽ là thời điểm "cực nóng" của ATM. Nếu rút tiền vào những ngày này thì khả năng giao dịch với máy ATM sẽ gặp trục trặc sẽ cao hơn. Kinh nghiệm những năm trước đây cho thấy, đây là thời điểm mà số lượng người đi rút tiền tại ATM tăng đột biến khiến cho hệ thống ATM năm nào cũng bị quá tải, tuy nhiên từ chiều tối 29 Tết trở đi giao dịch sẽ ít dần và hệ thống hoàn toàn đảm bảo phục vụ khác hàng tốt nhất.