Ninh Bình triển khai thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính
Theo đó, mục đích của Đề án nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong thực hiện TTHC, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ thuộc các lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cắt giảm chi phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân;
Nâng cao trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của cán bộ, công chức và cơ quan nhà nước, góp phần xóa bỏ các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết công việc của người dân; Đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, cư trú, bảo hiểm xã hội, lao động, thương binh và xã hội.
Thực hiện liên thông các thủ tục hành chính sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cắt giảm chi phí, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. (Ảnh minh họa) |
Đề án yêu cầu tổ chức thực hiện có hiệu quả liên thông TTHC, phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh. Cụ thể hóa nội dung công việc, thời hạn và tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Đề án. Quán triệt các quan điểm chỉ đạo, yêu cầu đối với việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các nghành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch.
UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh là đầu mối giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện Đề án theo Kế hoạch; chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính thực hiện tổ chức triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Đề án trên đại bàn tỉnh; tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện liên thông các thủ tục hành chính, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Các sở, ban, ngành; Ủy ban các huyện, Thành phố;Ủy ban các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực, thuộc phạm vi, chức năng mình quản lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, có trách nhiệm báo cáo về Bộ, ngành, đơn vị cấp trên theo chức năng quản lý nhà nước và UBND tỉnh (qua Văn phòng UBND tỉnh) để kịp thời tháo gỡ, bảo đảm triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án đúng tiến độ và có hiệu quả.
Trước đó, vào ngày 27/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Đề án thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng), hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.
Sau khi nghe lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả nghiên cứu, xây dựng Đề án và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ có ý kiến kết luận: Giao Văn phòng Chính phủ trên cơ sở ý kiến các đại biểu tại cuộc họp, hoàn thiện dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.
Giao Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam chỉ đạo triển khai và hướng dẫn ngay việc thực hiện Đề án trong phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình khi Đề án được phê duyệt.
Giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở quy trình thực hiện liên thông các TTHC đã được chuẩn hóa tại Đề án và quy định pháp luật hiện hành có liên quan, xây dựng và ban hành văn bản triển khai thực hiện liên thông các TTHC: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng), hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí tại địa phương mình bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thực hiện việc nhận, chuyển hồ sơ theo phương thức điện tử, sử dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC liên thông khi đủ điều kiện.
Bộ Công an khẩn trương xây dựng, đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình, tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 18/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1380/QĐ-TTg phê dụyệt “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí”.