Ninh Bình: Nho Quan phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Lãnh đạo huyện Nho Quan (Ninh Bình) cho biết, chủ trương của huyện phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn các cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái...
Công trình bằng tre lớn nhất miền Bắc được Vedana Resort đặt tại huyện Nho Quan (Ninh Bình). |
Nho Quan với địa hình là một huyện miền núi của tỉnh Ninh Bình, có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú với Vườn Quốc gia Cúc Phương, Động Vân Trình, Động Thiên Hà, suối khoáng nóng Cúc Phương…
Ông Nguyễn Cao Các, Phó Chủ tịch huyện Nho Quan cho biết, theo quy hoạch vùng huyện đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định Vùng du lịch sinh thái Cúc Phương với địa giới hành chính của 5 xã có tổng diện tích 16.877ha sẽ là vùng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nông trại, nghỉ dưỡng, trải nghiệm…
Phó Chủ tịch huyện Nho Quan cũng nhấn mạnh, việc triển khai xây dựng các điểm du lịch sinh thái xung quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương sẽ mở ra cơ hội đánh thức tiềm năng, thế mạnh của huyện Nho Quan về phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên... tạo động lực quan trọng thúc đẩy KT- XH phát triển, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nho Quan lần thứ XXVII đã đề ra. Đó là: "Phát huy tiềm năng, lợi thế và cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lực để từng bước đưa du lịch, thương mại trở thành lĩnh vực kinh tế có đóng góp quan trọng trong cơ cúa kinh tế của huyện".
Lãnh đạo huyện Nho Quan cũng nhấn mạnh, chủ trương của huyện phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn các cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Nho Quan, nhiều doanh nghiệp làm du lịch tại đây đã tuân thủ nguyên tắc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, cải thiện môi trường sống của người dân xung quanh dự án triển khai.
Ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana Resort. |
Làm rõ hơn về việc làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, ông Lê Quốc Thịnh, Giám đốc Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana Resort cho biết, ý định ban đầu xây tổ hợp khách sạn với thiết kế hiện đại nhưng khi về với Cúc Phương, ông lại bỏ ý tưởng đó vì sợ sẽ phá vỡ không gian nơi đây.
Nhận thức việc bảo vệ môi trường là công việc chung, cả cộng đồng từ chính quyền, người dân từ dân tộc Kinh hay bản Mường đến doanh nghiệp phải chung tay thì mới đạt kết quả.
Vậy là, song song với việc triển khai dự án, ông cũng tích cực tuyên truyền, huy động người dân cùng tham gia làm sạch môi trường xung quanh dự án cũng như nhà cửa, làng bản.
“Tôi làm việc này với hy vọng người dân sẽ cùng doanh nghiệp cải thiện môi trường.
Như thế mới bền vững được. Chứ chỉ đơn thuần chỉ là những căn phòng đẹp, sang trọng bằng bê tông, cốt thép chưa hẳn đã bền vững”, ông Thịnh cho biết.
Nhớ về những ngày đầu tiên về đây cách đây 10 năm (năm 2012), ông Thịnh cho biết, bà con chưa có khái niệm quét đường, quét cổng, thậm chí sân của nhà bà con không có nhu cầu quét.
“Dưới tầng 1 người dân nuôi trâu, bò, ngựa; trên sàn thì họ ở… cho nên khái niệm quét sân, quét nhà là việc gì đó lạ lẫm lắm. Nhận thấy môi trường sống của bà con còn nhiều bất cập, thông qua nhiều hoạt động đặc biệt trong những ngày hội đại đoàn kết, chúng tôi đã chủ động mời bà con vào công ty để phân tích lý do vì sao phải ăn, ở hợp vệ sinh, vì sao phải bảo vệ môi trường.
Du khách thảnh thơi trải nghiệm du lịch nghỉ dưỡng. |
Rất mừng là sau nhiều năm tuyên truyền, hiện mỗi sáng, mỗi chiều chị em đã chủ động quét sân, quét đường sạch sẽ, trâu bò đã được nuôi nhốt riêng, chất thải phân trâu, bò cũng được dọn sạch, để vào những nơi cách xa nơi người dân sinh sống.
Hay như trước đây, cỏ dại mọc "lút" đầu, ngang với cửa sổ nhà sàn thì người dân cũng …kệ. Nay họ đã phát quang, nhiều nhà còn chủ động trồng nhiều cây có giá trị. Tại cửa một số hộ gia đình còn có hoa, cây cảnh trang trí.
Chúng tôi luôn phát miễn phí cây, hoa cảnh cho bà con trồng xung quanh nhà. Nhưng bà con không lấy, họ đã thấy giá trị từ việc tạo cảnh quan môi trường sống ngay tại nhà mình nên đã tự giác đi mua về trồng”, ông Thịnh vui mừng thông báo với phóng viên.
Không chỉ vận động bà con nơi đây cải thiện môi trường sống hợp vệ sinh, ông Thịnh còn rất chú trọng đến kiến trúc trong khu nghỉ dưỡng.
Chọn kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa, người nổi tiếng với những công trình kiến trúc mang hơi thở từ thiên nhiên, ông Thịnh mong muốn tạo nên khu nghỉ dưỡng với kiến trúc xanh gần gũi thiên nhiên. Mỗi công trình xây dựng nên tại đây là một sản phẩm du lịch gần gũi với thiên nhiên từ khu lễ tân đến bể bơi 4 mùa cũng rất khác biệt – làm bằng tre.
Theo đó, ông Thịnh đã chọn vật liệu bằng tre để xây dựng phần lớn khu du lịch nghỉ dưỡng của mình. Bởi cây tre đối với người miền Bắc Việt Nam có ý nghĩa rất lớn, được sử dụng làm nhà ở, nhà hàng, khách sạn tạo ra một thẩm mỹ khác biệt.
Để làm được công trình này, ông Thịnh cho biết đã phải tìm vào Tây Ninh đặt mua tre và thuê chính những người thợ có kinh nghiệm ở Tây Ninh làm trong 2 năm, sau đó đưa ra Cúc Phương để thi công xây dựng.
Doanh nhân này kỳ vọng mỗi công trình được thiết kế với KTS Võ Trọng Nghĩa được xây dựng tại khu nghỉ dưỡng sẽ là một sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa bản địa. Để nơi đây trở thành mái nhà xanh giữa bãi đá lộ đầu, du khách đến đây có cảm giác được về nhà, vừa lạ vừa thân thương, quên đi mệt mỏi, ưu phiền, được sống chan hoà giữa con người và đất mẹ quê hương.
N. Huyền