Những quan niệm sai lầm về kiêng kỵ trong tháng Bảy
Không mua sắm trong tháng cô hồn
Từ lâu, nhiều người truyền nhau những điều phải kiêng kỵ để tránh gặp tai họa, xui xẻo trong “tháng cô hồn” như không mua sắm nhà cửa, xe cộ, thậm chí là điện thoại trong tháng Bảy âm lịch.
Chị Minh Nguyệt (Cầu Giấy) cho biết, chị định mua cái điện thoại mới nhưng nhiều người biết đều khuyên: “Mua gì thì mua, phải kiêng tháng Bảy ra, nếu mua vào tháng cô hồn thì chóng hỏng hoặc là sẽ bị mất cắp, mất trộm.”
Chị Nguyệt đã đem câu chuyện đó hỏi một người tu hành thì được biết, những quan niệm như vậy là không đúng. Không có căn cứ nào cho thấy rằng, mua sắm vào tháng 7 thì xui xẻo. Và thực tế, chợ búa, trung tâm thương mại vẫn được giao dịch trong những tháng này.
Không làm nhà trong tháng cô hồn
Từ trước đến nay dân gian vẫn quan niệm không được làm nhà cửa trong tháng Bảy. Sở dĩ có quan niệm này là do vấn đề thời tiết, khí hậu của Việt Nam trong tháng này chứ không phải là do sự xui xẻo như nhiều người vẫn hiểu.
Không riêng tháng ngày nào, chỉ cần điều kiện thuận lợi đều có thể xây nhà, động thổ |
Ở Việt Nam, tháng Bảy âm lịch thường mưa nhiều nên khó có thể làm việc lớn như động thổ làm nhà. Vì nếu làm các công trình trong thời tiết này sẽ khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng cũng như chất lượng công trình. Lý do này được cho là hợp lý hơn cả khi lý giải về việc kiêng động thổ vào tháng Bảy.
Tuy nhiên, không phải năm nào tháng 7 cũng sụt sùi mưa ngâu. Ví dụ năm nay, đến gần giữa tháng 7 âm lịch khí trời vẫn nóng, nhiều người vẫn mua nhà, chuyển nhà. Khi tự tin về những việc làm cần thiết và đúng đắn, không vì thế mà người có hiểu biết trì hoãn để lỡ những kế hoạch của mình.
Kiêng cưới hỏi
Hôn nhân có hạnh phúc hay không, không phụ thuộc vào ngày tốt xấu |
Cũng do thời tiết của tháng Bảy trước đây thường mưa nhiều, hoặc nóng bức, không thuận lợi cho việc cưới hỏi nên nhiều người kiêng kị. Bên cạnh đó còn do câu chuyện cổ tích Ngưu Lang, Chức Nữ cũng ảnh hưởng phần nào. Chuyện kể rằng Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng sáo của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào ngày 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian gọi là mưa Ngâu.
Quan niệm dân gian có khi đúng, có khi sai vì mọi quan niệm đều có thể lỗi thời. Ngay cả khí hậu và thời tiết cũng đã có nhiều biến đổi. Vì vậy, trong mọi quyết định, phải xét ở khía cạnh phù hợp với hoàn cảnh của mình chứ đừng nặng theo những quan niệm truyền tai.
Không cắt tóc trong tháng Bảy
Nhiều người kiêng cả việc cắt tóc trong tháng Bảy, nhất là đối với trẻ con. Từng đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Con người) cho rằng, quan điểm tâm linh của người Việt cho rằng tóc là một bộ phận của con người nên không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể đầu tháng mới, trong tháng cô hồn vì cắt là mất, cắt là có thể gặp những chuyện không suôn sẻ hoặc hay ốm đau.
Nhưng đó là kiêng kỵ truyền miệng, chưa có cơ sở nào chứng minh điều đó là đúng hay sai. Vì vậy trong cuộc sống chúng ta phải suy xét, cái gì cần, cái gì nên chứ không phải vì quan niệm như vậy mà chúng ta phải làm theo vì những sợ hãi vô lý.
Nhiều kiêng kị vô lý khác
Ngoài ra, có rất nhiều thứ kiêng kỵ trong tháng Bảy mà người ta rỉ tai nhau như “kiêng quan hệ vợ chồng”, kiêng soi gương, kiêng chụp ảnh, kiêng may quần áo, kiêng mài dao kéo…trong tháng Bảy.
Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Dân gian quan niệm tháng Bảy là tháng ma quỷ hành hoành khắp nơi nên làm việc gì cũng không tốt. Tuy nhiên, Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này cũng như quan niệm về ngày tháng tốt, xấu. Nếu tâm tốt thì ngày nào cũng là ngày tốt. Kiêng kỵ là phản khoa học. Nếu kiêng, hãy kiêng làm việc xấu, ảnh hưởng tới mình và tới người khác, hãy làm việc tốt. Vì chỉ có làm những điều tốt, điều lành, tâm con người ta mới được an vui.”