Những lỗi thường gặp khi làm bài thi IELTS thí sinh cần lưu ý
Chưa có một kế hoạch SMART
Làm sao có thể biết đi đâu nếu bạn không có kế hoạch đến đó? Bạn sẽ đi du lịch đến một nơi nào đó mà không biết hướng đi hoặc không có bản đồ? Bạn sẽ tham gia một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mà không có ai hướng dẫn? Nhiều sĩ tử IELTS đã bỏ qua bước quan trọng này này. Họ không bao giờ tự đặt câu hỏi mình đang học cái gì và tại sao phải học nó.
Trước khi bắt đầu, bạn cần lập một kế hoạch học tập. Bạn cần phải cụ thể hóa về thời gian cần có chứng chỉ IELTS và khi nào cần tham gia kỳ thi. Tham gia các buổi thi thử hoặc tự làm đề để biết khả năng hiện tại của mình đang ở đâu, từ đó bạn sẽ dễ dàng lên kế hoạch về mục tiêu điểm số và thời gian chuẩn bị. Nếu vẫn không thể tự đánh giá chính mình, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn từ thầy cô, bạn bè hoặc các trung tâm luyện thi uy tín.
Không đắm mình trong tiếng Anh
Nhiều thí sinh thường ôn luyện bằng cách dành phần lớn thời gian để làm đề. Điều này dường như chỉ có thể cải thiện kỹ năng Listening (nghe) và Reading (đọc), đối với các kỹ năng Speaking (nói) và Writing (viết), đòi hỏi kỹ năng xử lý vấn đề và tư duy bằng tiếng Anh. Một khi sở hữu lượng từ vựng đủ, ngữ pháp chắc, kiến thức xã hội rộng, bạn sẽ có lợi thế để lên ý tưởng một cách chính xác hơn.
Không hiểu rõ các tiêu chí chấm điểm IELTS
Bài thi IELTS được chấm theo các tiêu chí rất cụ thể, do vậy, thí sinh chỉ cần biết rõ điểm số mục tiêu của mình để đối chiếu với các tiêu chí trên. Ví dụ trong bài thi nói, đa số thí sinh đều sợ bản thân trình bày ra quan điểm không phù hợp hay không đúng ý của giám khảo.
Tuy nhiên, trong phần thi nói IELTS, điểm số của bạn được đánh giá dựa trên các tiêu chí về tính trôi chảy và liên kết, khả năng sử dụng từ vựng, ngữ pháp và phát âm.
Ngoài ra, bạn có thể kiểm soát lượng thông tin trong câu trả lời để giám khảo không hiểu sai ý bằng cách diễn đạt câu ngắn nhưng rõ nội dung, thường xuyên lặp lại từ khóa hay ý chính mà bạn muốn giám khảo hiểu.
Quản lý thời gian làm bài chưa hợp lý
Sắp xếp thời gian hợp lý là chìa khóa để đạt điểm số cao nhất vì giúp thí sinh duy trì tinh thần vững vàng để tư duy và phản xạ tốt trong thời gian gần ba tiếng làm bài thi.
Với kỹ năng Đọc và Viết, bạn nên phân bổ thời gian làm bài thi theo thứ tự từ dễ đến khó và khung điểm thấp đến cao. Theo chuyên gia Hội đồng Anh, bạn nên sắp xếp thứ tự ưu tiên của từng dạng bài, từ cơ bản đến nâng cao. Ví dụ trong Reading, có những dạng bài cơ bản hay nằm ở Passage 1 còn những dạng bài nâng cao sẽ nằm ở Passage 2 và 3, hầu như Passage 2 là khó nhất, vậy nên thứ tự làm bài đọc của bạn sẽ là Passage 1,3 rồi mới đến 2.
Hơn nữa, trong từng Passage, thứ tự ưu tiên dạng bài của bạn cũng phải khác nhau. Nếu bạn làm theo thứ tự đề bài thì sẽ tốn khá nhiều thời gian vì đề bài không được sắp xếp theo độ khó mà sắp xếp ngẫu nhiên.
Bạn nên ưu tiên làm các bài Short answer question, Sentence completion trước rồi mới đến T/F/NG and Y/N/NG. Cuối cùng là các dạng nâng cao như Matching và Multiple choices. Cách làm này có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian ôn luyện và nâng cao hiệu suất làm bài đấy nhé!
Với những câu hỏi khó mà bạn chưa thể làm xong, bạn nên chuyển qua câu mới và có thể quay lại làm khi còn thời gian vào cuối phần thi. Riêng phần thi Nghe, thí sinh có thể tận dụng thời gian kiểm tra đáp án của section đã làm xong, hoặc thời gian trước khi bắt đầu nghe các đoạn ghi âm để đọc lướt qua các câu hỏi và ghi nhớ những cụm từ khóa.
Ép bản thân phải nói như người bản xứ
Accent là kiểu giọng, phổ biến nhất là hai kiểu giọng Anh - Anh và Anh - Mỹ. Trong bài thi IELTS Speaking, giám khảo sẽ đánh giá bạn dựa trên phát âm chứ không phải accent của bạn.
Hãy nhớ là không có tiêu chí chấm điểm theo accent trong bài thi IELTS Speaking nhé. Khi đánh giá phát âm, giám khảo sẽ chú ý đến cách phát âm của từng thí sinh về âm
riêng, trọng âm của từ và ngữ điệu. Vì vậy, bạn không cần nói như người bản xứ, cũng không cần phải nói giọng Anh-Anh khi đi thi IELTS.
Hoàng Thanh
Nhà báo