Những dấu ấn rực rỡ của đối ngoại Việt Nam 2014
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. |
Quan hệ Việt – Mỹ: Những bước nhảy vọt
“Ngày 7/11/2014, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tổ chức Lễ chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ của Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Cường tại Blair House”. Một dòng tin rất “nghi thức” xuất hiện trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ trong buổi sáng ngày 12/11/2014 có thể không gây được nhiều sự chú ý của khách ghé thăm nhưng thực tế, đó được xem là một “mốc son” của ngành ngoại giao Việt Nam trong năm 2014. Sự đặc biệt của dòng tin này nằm ở chỗ, không có nhiều các vị Đại sứ nước ngoài được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức riêng hẳn một buổi lễ chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ và càng đặc biệt hơn nữa khi địa điểm tổ chức là tòa nhà Blair House - nơi dành riêng cho các quốc khách của Tổng thống Mỹ. Đây là một vinh dự hiếm có dành cho một đại sứ, đồng thời là một cử chỉ biểu tượng nói lên sự đánh giá cao của chính quyền Mỹ đối với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Hẳn nhiều người còn nhớ, chỉ cách đó vài tháng, ngày 29/5/2014, chính Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã xuất hiện trên kênh truyền hình CNN – kênh truyền hình có lượng khán giả lớn nhất nước Mỹ để đối thoại với nhà báo kỳ cựu Christiane Amanpour trong một cuộc phỏng vấn nhân sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngay trên sóng của đài CNN, bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Việt Nam đã lập tức được dư luận Mỹ và quốc tế ủng hộ một cách nhiệt liệt.
Có thể nói, tiếp nối thành công chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm 2013, mối quan hệ Việt – Mỹ trong năm 2014 đã có những sự thay đổi rõ rệt. Sự thay đổi nhanh và tốt đến mức Thượng Nghị sĩ John McCain có lần đã gọi đó là “những bước nhảy vọt”.
Có thể dễ dàng điểm qua vài ví dụ như Hiệp ước 123 về hợp tác Mỹ - Việt trong chương trình hạt nhân dân sự, việc Mỹ bãi bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương hay cuộc điện thoại đầy kịch tính giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong giai đoạn có cuộc khủng hoảng giàn khoan. Bên cạnh đó là hàng loạt chuyến viếng thăm của các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự của hai bên, kể cả chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng Martin Dempsey. Tiếp theo đó, tháng 10/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mỹ để đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đề nghị Mỹ cung cấp vũ khí để hiện đại hoá quân đội Việt Nam…
Sự cải thiện của mối quan hệ Việt – Mỹ không chỉ dừng lại ở những “nghi thức ngoại giao” mà đã thực sự biến thành những hành động cụ thể. Trong thời gian giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, các chính khách Mỹ đã liên tục lên tiếng ủng hộ lập trường, thái độ và quan điểm của Việt Nam để rồi ngày 13/7/2014, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua Nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông. Đây là một bước tiến mạnh mẽ trong thái độ của phía Mỹ đối với vấn đề khu vực. Bằng chính sự khôn khéo và đường lối ngoại giao chiến lược đúng đắn của Việt Nam, những tiếng nói tương tự ở Mỹ đã tạo nên sự thay đổi trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Obama để ngăn chặn sự tham lam bành trướng của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải trở lại nguyên trạng trước ngày 01/5/2014, tức trước ngày Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam.
Biển Đông dậy sóng, thế giới sát cánh cùng Việt Nam
Ngày 1/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên lai dắt và hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào vùng biển Hoàng Sa, nằm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự việc này đã gây ra một làn sóng phản đối và phẫn nộ không chỉ trong lòng người dân Việt Nam mà còn với cả cộng đồng quốc tế.
Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản biểu tình phản đối giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. |
Trong trường hợp Ấn Độ, hai bên còn tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác thăm dò và sản xuất dầu khí ở Biển Đông, bất chấp phản kháng của Trung Quốc.
Trong sự kiện nổi bật nhất năm 2014 này, người ta không thể không nhớ đến những phát ngôn ấn tượng của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ngày 22/5/2014, trả lời báo chí quốc tế tại Philippines về tình hình Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Cùng với cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam một cách mạnh mẽ. Ngày 10/5/2014, Hội nghị các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã thống nhất đưa ra tuyên bố chung về tình hình tại Biển Đông yêu cầu các bên liên quan trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982...
Ngày 11/6/2014, với sự nhất trí tuyệt đối, Hạ viện Nhật Bản đã ra tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và áp đặt chủ quyền một cách đơn phương trên Biển Đông.
Ngày 13/7/2014, Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông. Trong các hội nghị quốc tế, vấn đề Biển Đông và khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 liên tục được Việt Nam và các nước trên thế giới đề cập đậm nét. Trong đó, tiếng nói của các nước lớn: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp... và các tổ chức quốc tế: ASEAN, APEC, Tổ chức Pháp ngữ… có vai trò quan trọng.
Trong cuộc khủng hoảng giàn khoan, đã diễn ra dồn dập các cuộc thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế. Tháng 9/2014, Tổng thống Ấn Độ thăm Việt Nam và cam kết cung cấp 100 triệu USD để Việt Nam mua tàu tuần tra của Ấn Độ. Tháng 10/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Mỹ và kết quả là một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã được dỡ bỏ. Cũng trong tháng 10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ mở ra một kỉ nguyên mới về hợp tác kinh tế, đặc biệt là nguồn cung nguyên vật liệu cho ngành dệt may và da giày trong trường hợp Trung Quốc đóng cửa biên giới. Tháng 11/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Liên bang Nga và Cộng hoà Belarus nhằm tăng cường hợp tác khai thác dầu khí và đẩy nhanh tiến độ đàm phán tiến tới kí kết hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Thuế quan.
“Xin cảm ơn Việt Nam!”
“Khi chiếc phi cơ cất cánh, tôi đã không thể ngăn được dòng nước mắt. Việt Nam, người Trung Quốc chúng tôi không biết nói gì cho hết lòng biết ơn các bạn”. Đó là những tâm sự rất thật của một nữ nhà báo Trung Quốc có tên Liu Chang khi lên máy bay rời khỏi Việt Nam, kết thúc chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines mất tích trên hành trình từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh ngày 8/3/2014.
Chiều ngày 15/3/2014, ngay khi Malaysia và Việt Nam cùng thông báo kết thúc chiến dịch tìm kiếm máy bay Malaysia MH 370, tờ Legal Evening News đã đăng tải một bài viết do phóng viên Liu Chang đang tác nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh gửi về. Bài viết sau đó được trang Sina.com.cn, một trong những cổng thông tin lớn nhất của Trung Quốc đăng lại và làm “dậy sóng” cảm xúc của độc giả và cộng đồng mạng nước này. Không chỉ lược lại quá trình tìm kiếm và đưa tin về việc dừng tìm kiếm máy bay bị mất tích của Việt Nam, bài báo còn dành cho Việt Nam nhiều lời khen ngợi và bày tỏ lòng cảm phục, biết ơn sâu sắc.
“Trong chưa đầy 8 ngày, Việt Nam đã cử 11 máy bay và 7 tàu tìm kiếm, tiến hành tổng cộng 55 lượt bay đi làm nhiệm vụ với phạm vi tìm kiếm lên đến hơn 100.000 km2 trên biển. Chưa bao giờ Việt Nam huy động một lực lượng tìm kiếm cứu nạn với quy mô lớn và sử dụng nhiều trang thiết bị tối tân nhất đến như vậy. Mặc dù đã dừng việc tìm kiếm sau 8 ngày mà chưa đạt được kết quả gì, nhưng những nỗ lực của Việt Nam là điều cả thế giới phải ghi nhận“, nhà báo Liu Chang viết.
Ở phía cuối bài viết, một độc giả có tên là Zhou Mi bình luận: “Trong sự kiện MH370, thật biết ơn Việt Nam vì sự giúp đỡ và những nỗ lực hoàn hảo của họ. Cảm ơn Việt Nam”. Cũng trên trang này, một người đọc giấu tên viết: “Cảm ơn người Việt Nam vì sự giúp đỡ. Người Trung Quốc sẽ mãi khắc ghi trong lòng”. Các độc giả Trung Quốc còn bày tỏ sự cảm ơn: “Cảm ơn Việt Nam. Trong gian khó mới biết lòng nhau”.
Nói về chiến dịch tìm kiếm MH370 của Việt Nam, báo giới quốc tế đều có lời khen ngợi. Trang CNN.com đưa tin: “Cũng ngay trong ngày đầu tiên, Việt Nam trở thành một trong các đầu cầu trực tuyến đưa tin về hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Sân bay Tân Sơn Nhất và Phú Quốc liên tục đón các phóng viên của nhiều hãng thông tấn lớn như AP, CNN, Reuters, CCTV, Wall Street Journal... đến tác nghiệp”.
Một bài viết của hãng thông tấn BBC đưa tin, những ngày qua, “truyền thông Việt Nam đã trở thành nguồn chính cho các báo quốc tế”. Thậm chí, bài viết còn cho rằng: “Các phóng viên từ Bắc Kinh, Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur trao đổi hàng ngày qua mạng nội bộ của BBC cũng như các đồng nghiệp ở Mỹ đều đồng ý với nhau rằng trước khi nghe quan chức Malaysia phát biểu, hãy xem nguồn từ Việt Nam nói gì”. BBC cũng khẳng định, sau sự kiện lần này, Việt Nam “đã chứng tỏ mình - nước chủ nhà ở một vùng biển quan trọng” và tinh thần hòa hảo quốc tế. Ngoài BBC, ngày 12/3, trang tin VOA News (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) đã xuất bản một bài viết đề cao vai trò của Việt Nam trong đợt tìm kiếm vừa qua. Một đoạn trong bản tin đã viết: “Việt Nam đã lập tức vào cuộc. Xét về phương diện quốc gia, những nỗ lực ấy là một điều đáng tự hào”.
Trên mạng xã hội Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những hình ảnh lá cờ Việt Nam cùng những lời tốt đẹp như: “Hôm nay chúng ta là người Việt Nam”, “Việt Nam thật kiên cường và tốt bụng” hay những hastag (#) “Cám ơn Việt Nam”, “Dành cho Việt Nam 1 like”... được cư dân mạng Trung Quốc chuyền tay nhau.
Có thể nói, mặc dù đã phải trải qua một năm 2014 đầy những khó khăn, nhưng Việt Nam đã liên tiếp thu được những thắng lợi vang dội trên mặt trận ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Xin được kết thúc bài viết này bằng phát biểu của tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài: “Được trở lại Việt Nam lần này đã biến giấc mơ của tôi trở thành hiện thực. Tôi và gia đình tôi rất vui được có mặt ở đây. Với truyền thống “con Rồng cháu Tiên”, Việt Nam đã tạo được cho mình một đôi cánh vững chắc để bay lên”.