Nhiều tuyến đường Hà Nội ùn tắc kéo dài: Đâu là nguyên nhân?
Đã qua thời điểm học sinh, sinh viên các trường học bước vào năm học mới cả tháng, tuy nhiên tình trạng ùn tắc kéo dài trên nhiều tuyến đường Hà Nội vẫn diễn ra. Nguyên nhân do đâu?
Sau khi xóa được điểm đen ùn tắc do có hầm chui Thanh Xuân, gần một năm trở lại đây nút giao thông Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển lại rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài.
Tái diễn nhiều “điểm đen”
Sáng 12/10, theo ghi nhận thực tế của PV, để qua được nút giao thông này theo hướng Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, phải mất khoảng 30 phút. Trong khoảng thời gian từ 7h30 đến 8 giờ, xe máy, ô tô đặc kín lòng đường, kéo dài cả km.
Cũng nhờ có cầu vượt nên điểm đen ùn tắc tại nút giao thông Lê Văn Lương - Láng và Trần Duy Hưng - Láng trong mấy năm qua được xóa bỏ, vậy nhưng hơn một năm nay tình trạng ùn tắc tại đây lại diễn ra ở hai đầu cầu vượt. Để qua được hai nút giao thông này vào giờ cao điểm sáng, chiều, người dân thường mất hàng chục phút. Khi xảy ra ùn tắc nhiều người điều khiển xe máy đã phải leo lên vỉa hè, hoặc đi vào các ngõ phố để thoát, với người đi ô tô do không thể đổi lộ trình hoặc quay đầu nên đành đứng im trên đường.
Tình trạng ùn tắc kéo dài thường xuyên cũng đang xảy ra với nhiều tuyến đường nút, giao thông. Theo khảo sát của phóng viên trong những ngày qua, có trên 30 tuyến phố, nút giao thông thường xuyên ùn tắc 10 - 30 phút phút trở lên. Trong số này có các tuyến phố, nút giao thông như: Nguyễn Trãi, Trường Chinh - Láng, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương - Láng Hạ, Lê Duẩn, Nguyễn Hữu Thọ, Pháp Vân, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Minh Khai…
Nhiều bất cập
Tại nhiều tuyến đường, nút giao thông bị ùn tắc, PV thấy rằng, ngoài lượng phương tiện đông và cùng đổ ra đường vào một thời điểm, nguyên nhân ùn tắc còn đến từ cách tổ chức, điều tiết giao thông chưa hợp lý. Cụ thể, tại nút giao thông Thanh Xuân, hiện chiều đường theo hướng Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến đang có các dòng phương tiện từ đường ở dưới và đường trên cao Vành đai 3 đổ xuống, hơn nữa chiều này không có hầm vượt nên cần ưu tiên tín hiệu đèn cho phương tiện qua nút. Vậy nhưng, hiện nay thời gian chờ đèn là 120 giây, trong khi hướng Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở có hầm, có rất ít phương tiện đi trên mặt đất thì chỉ phải chờ đèn khoảng 60 giây. Lượng phương tiện lớn và phải chờ đèn lâu đã khiến chiều đường Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến qua nút Thanh Xuân ùn tắc thường xuyên.
Tại cầu vượt Lê Văn Lương - Láng và Trần Duy Hưng - Láng, thực tế ngược lại đang diễn ra tại đây: trên cầu thông thoáng nhưng hai đầu cầu lại tắc. Sở dĩ có chuyện này là do đường dẫn lên hai đầu cầu đang bị hẹp do lan can cầu và dải phân cách giữa đường lấn sâu. Quan sát tại đây chúng tôi thấy rằng chiều đường mỗi bên trên cầu là 2 làn xe nhưng đường dẫn lên ở hai đầu cầu chỉ rộng cho 1 xe ô tô và xe máy đi qua. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, tại thời điểm thông xe 2 cây cầu cách đây 3 năm, lượng phương tiện còn ít nên chiều rộng đường dẫn lên như vậy có thể hợp lý, nhưng nay lượng phương tiện đông, cơ quan quản lý, điều tiết giao thông cần điều chỉnh cho phù hợp, trong đó có cần phải bỏ đoạn dải phân cách giữa đường để mở rộng đường dẫn.
Với nút giao thông Hoàng Liệt - Giải Phóng, khi đường Hoàng Liệt được mở rộng, đặc biệt là khi cầu cạn vượt hồ Linh Đàm được thông xe, tại đây nên cho các dòng phương tiện xe máy, ô tô đi từ Vành đai 3 dưới thấp theo hướng Linh Đàm đi thẳng ra Pháp Vân, bỏ việc ô tô phải vòng ra đường Ngọc Hồi mới ra Pháp Vân. Tuy nhiên, hiện tất cả ô tô lưu thông ở đường Vành đai 3 dưới thấp khi qua Linh Đàm, muốn ra Pháp Vân phải vòng sang đường Ngọc Hồi, việc này đang gây ùn tắc cho đường Ngọc Hồi và các tuyến đường chạy qua khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp…
Yêu cầu trung tâm đèn rà soát, báo cáo
Về tình trạng ùn tắc trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nhiều chuyên gia giao thông, nhà quy hoạch đánh giá là không bình thường.
Ông Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, ùn tắc tại Hà Nội thường có diễn biến phức tạp vào dịp Tết Nguyên đán và đầu năm học mới, thường diễn ra khoảng nửa đầu tháng 9. Tuy nhiên năm nay, năm học mới đã qua hơn 1 tháng nhưng ùn tắc kéo dài trên nhiều tuyến đường vẫn diễn ra là điều cần phải xem xét.
Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong các điểm ùn tắc tại Hà Nội hiện nay theo số liệu khảo sát của liên ngành Hà Nội, có đến 80% là do tổ chức giao thông. Như vậy có nghĩa là, công tác điều tiết, tổ chức giao thông của các cơ quan có trách nhiệm như Sở GTVT, Phòng CSGT chưa thật sự phù hợp, hiệu quả và cần phải xem lại.
Nêu thực tế công tác điều tiết, tổ chức giao thông tại Hà Nội thời gian gần đây, đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội nhận định, chưa có nút giao thông, tuyến đường nào giảm ùn tắc, tai nạn giao thông theo phương án tổ chức giao thông, chủ yếu được thực hiện theo hình thức xén vỉa hè, dỡ bỏ dải phân cách. Các giải pháp này chỉ có hiệu quả tức thời, trước mắt và không bền vững, đó là chưa đề cập chuyện phá vỡ cảnh quan, hạ tầng đô thị.
Đánh giá về tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố thời gian qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Hà Nội hiện vẫn tồn tại 33 điểm đen ùn tắc vào giờ cao điểm, hiện sở đang thực hiện nhiều giải pháp để từ nay đến cuối năm giảm 5 - 10 điểm. Cùng với đó, Sở GTVT cũng phối hợp với Phòng CSGT để điều chỉnh lại các nút đèn tín hiệu cho phù hợp.
Trao đổi với PV ngày 12/10, Thượng tá Đinh Thanh Thảo, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an Hà Nội) - phụ trách hệ thống đèn tín hiệu giao thông cho hay ông chưa nhận được thông tin về các bất cập về một số nút đèn do địa bàn báo lên… Tuy nhiên, sau khi nhận được phản ánh của PV Tiền Phong, khoảng 10 phút sau, ông Thảo đã điện thoại lại và cho biết đã yêu cầu Đội Trung tâm đèn (Phòng CSGT) rà soát, báo cáo thực trạng trong tuần này.
Theo tienphong.vn