Nhiều người Hà Nội mắc thủy đậu, các sai lầm khi điều trị
Chị Hải Yến (quận Hà Đông, Hà Nội) phải nghỉ làm trông con trong bệnh viện suốt 1 tuần qua. Trường mầm non nơi con chị học có gần 10 trường hợp (cả học sinh và giáo viên) mắc thủy đậu. Trường thông báo tăng cường phòng, chống bệnh thủy đậu tới toàn thể phụ huynh.
Tuần trước, bé K.N (5 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) bắt đầu sốt cao, xuất hiện một số vết phỏng nước ở mặt. Sau hai ngày, nốt phỏng nhân lên nhiều, lan ra chi chít ở mặt, thân mình, đầu và tay chân, không đếm nổi số lượng. Bé được đưa vào khám ở bệnh viện, bác sĩ chỉ định nhập viện nội trú theo dõi, phòng biến chứng.
Mẹ bé N. cho biết, từ sau Tết, lớp mầm non của bé rải rác vài ca mắc. Đến cuối tháng 2, có tới 20 bé lây bệnh, chiếm 50% sĩ số của lớp. Chị chia sẻ, trước đây không để ý việc tiêm phòng thủy đậu cho con. Đến khi thấy lớp có nhiều bé mắc, gia đình định đưa trẻ đi tiêm thì đã mắc phải.
Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ ngày 4/3, trong tuần từ 13 tới 26/2, huyện ghi nhận 1 ổ dịch thủy đậu ở trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca và ổ dịch tại trường Mầm non Đồng Lạc với 22 ca. Cộng dồn từ đầu năm, toàn huyện có 129 ca mắc. UBND huyện chỉ đạo tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là thủy đậu, xử lý triệt để các ổ dịch không lây lan ra diện rộng.
Bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), cho biết nếu nhiều tháng trước thỉnh thoảng khoa ghi nhận bệnh nhân thủy đậu thì riêng 1 tuần nay có tới 10 trường hợp điều trị nội trú, số khám ngoại trú cao hơn nhiều. Chủ yếu bệnh nhân là trẻ em, thậm chí có trẻ chỉ vài tháng tuổi.
Tại Bệnh viện 108, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, cũng cho biết gần đây tiếp nhận nhiều ca thủy đậu. Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12-24 giờ.
Sai lầm trong điều trị thủy đậu
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch. Bệnh lây truyền chủ yếu qua việc tiếp xúc với chất dịch nốt thủy đậu của người bệnh từ da, quần áo, hoặc qua đường hô hấp khi giao tiếp, nói chuyện với người mắc bệnh.
Bác sĩ Kim Anh cho hay, hiện nay rất nhiều gia đình quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Tuy nhiên, thầy thuốc khuyến cáo bệnh nhân cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín.
"Nếu không vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân", bác sĩ Kim Anh chia sẻ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng, đây cũng là sai lầm thường gặp trong điều trị thủy đậu.
Bệnh nhân mắc thủy đậu cần ăn uống đầy đủ, thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Ngoài việc vệ sinh sạch sẽ, bệnh nhân tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.
Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh tốt nhất
Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vắc xin là cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất. Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất.
Liên quan tới một số trường hợp đã tiêm vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh, các chuyên gia lý giải đó là do cơ địa không đáp ứng được các điều kiện của vắc xin nên không được miễn nhiễm hoàn toàn. Ngoài ra, còn một số yếu tố như điều kiện bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm hay hạn dùng vắc xin... Hơn nữa, nhiều người dân đưa con đi tiêm ngừa khi đã ủ bệnh, do đó tiêm ngừa không có tác dụng như mong muốn.
Võ Thu