Nhà giá rẻ trở lại
Sản phẩm nhà ở giá rẻ sẽ xuất hiện trở lại trên thị trường từ năm 2022 khi các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phân khúc nhà ở này đang được tái khởi động.
Chính sách mở đường
Nhìn vào các báo cáo cho thấy, thị trường căn hộ vài năm qua dự án, số lượng nhà ở, cơ hộ giá rẻ cực khan hiếm chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thậm chí vắng bóng tại một số địa phương. Vì thế giá sản phẩm này trên thị trường thứ cấp không ngừng tăng cao.
Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, năm 2021, dự án căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất hạn chế, nếu có thì chỉ xuất hiện ở những khu vực xa trung tâm, hạ tầng chưa phát triển, chẳng hạn tại Hà Nội, dự án Ruby City CT3 (Long Biên) có giá 21,4 triệu đồng/m2, Tecco Tứ Hiệp (Thanh Trì) có giá 24,5 triệu đồng/m2… Tại TP.HCM thậm chí còn không có dự án căn hộ giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, kể từ năm 2022, thị trường nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ biến chuyển khi Bộ Xây dựng cho biết, sẽ tập trung xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình, dần khắc phục tình trạng mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở như hiện nay.
Đặc biệt, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phê duyệt các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó xác định cụ thể các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là các chỉ tiêu về nhà ở xã hội, chỉ tiêu về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Còn tại TP.HCM, để hiện thực hóa kế hoạch 1 triệu căn nhà giá rẻ mà Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi công bố hồi cuối năm ngoái, địa phương này bắt đầu lên phương án tăng nguồn cung nhà giá thấp trên địa bàn từ năm 2022, song song với mục tiêu phục hồi kinh tế sau dịch.
Cụ thể, trong kế hoạch phục hồi kinh tế, TP.HCM có 11 kế hoạch thành phần, bao gồm cả phương án xây nhà cho công nhân và người thu nhập thấp. Thành phố đang lên chương trình phát triển 1 triệu căn nhà giá với giá thấp nhất có thể để người lao động dễ tiếp cận và thay thế các chung cư cũ, nhà trên kênh rạch, cải thiện các khu nhà trọ hiện nay.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong năm 2022, Thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại 12 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho người lao động thuê với tổng quy mô hơn 11.000 căn. Trong đó, có 2 dự án nhà lưu trú công nhân quy mô 1.760 căn hộ đang ở giai đoạn đầu tư ban đầu; 4 dự án nhà ở xã hội độc lập do doanh nghiệp đăng ký thực hiện trong năm 2022, tổng quy mô 3.347 căn hộ và 6 dự án nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đã hoàn tất bồi thường và có hạ tầng kỹ thuật với tổng quy mô 5.946 căn. Đây là các dự án sử dụng vốn của doanh nghiệp để bồi thường và đầu tư xây dựng.
Doanh nghiệp vào cuộc
Cùng sự vào cuộc của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu chú trọng hơn vào phân khúc nhà ở giá rẻ. Trong kế hoạch phát triển công bố mới đây, từ năm 2022, Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ “bắt tay” với Đồng Tâm Group và Gỗ Trường Thành để cùng triển khai một loạt dự án nhà ở vừa túi tiền tại TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều địa phương khác trên cả nước.
Theo đó, liên danh này sẽ đầu tư xây dựng những dự án nhà ở có chất lượng đảm bảo, giá thành giao động từ 20-25 triệu đồng/m2 phù hợp với thu nhập của đại bộ phận công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp và trung bình. Theo đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh, các dự án sẽ cung cấp cho thị trường TP.HCM khoảng 100.000 căn hộ trong các năm tới với mức giá khoảng 25 triệu đồng/m2, các địa phương lân cận có mức giá thấp hơn, vào khoảng 20 triệu đồng/m2.
Tương tự, liên danh Nam Long Group và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) với dự án nhà bình dân EHome Southgate cũng dự kiến tung ra thị trường Long An khoảng 1.400 căn hộ. Dòng sản phẩm này được Nam Long công bố vào quý IV/2021, hứa hẹn sẽ khuấy động thị trường nhà ở giá rẻ trong năm 2022.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long Group từng khẳng định, nhà vừa túi tiền luôn là hướng phát triển chủ lực của Công ty hàng chục năm qua và sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng sản phẩm này trong ít nhất 10-20 năm tới. Theo dữ liệu bán hàng của Nam Long Group, rất nhiều khách hàng xếp hàng mua nhà vừa túi tiền tại các đợt mở bán, đây là nguồn cầu đầy tiềm năng, trong khi nguồn cung hiện tại đáp ứng không kịp.
Theo ông Quang, khái niệm nhà ở vừa túi tiền là chỉ các phân khúc nhà ở có tổng giá trị tài sản được chi trả bằng thu nhập tích lũy từ 7 năm trở lên của một hộ gia đình. Đặc điểm của nhà vừa túi tiền là thu hút nhu cầu ở thực, cũng là phân khúc đứng vững ngay cả khi thị trường địa ốc khủng hoảng.
Một nhà phát triển bất động sản khác là Tập đoàn APEC cũng vừa ra mắt công ty con - Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam (Happy City) với vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, đặt mục tiêu phát triển 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 sẽ hoàn thành 4 triệu căn hộ, 6 triệu căn còn lại sẽ hoàn thành từ năm 2026-2030, tập trung tại Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài những cái tên kể trên, một số chủ đầu tư khác như Kim Oanh, Bcons… đang chuẩn bị chào bán nhiều sản phẩm căn hộ giá thấp trong năm 2022 tại Bình Dương như dự án Bcons Sala (Dĩ An) với giá bán vào khoảng 27-30 triệu đồng/m2, Tecco Filice Home (Thuận An) chào bán trong tầm giá 26-27 triệu đồng/m2, Iris Tower có giá bán 24-25 triệu đồng/m2, Honas Residence (Thuận An) có giá từ 26-29 triệu đồng/m2…
Ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Công ty Phú Vinh nhận định, sự trở lại của phân khúc nhà ở giá rẻ sẽ là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực vốn thiếu hụt nguồn cung trầm trọng những năm gần đây, đẩy cơn khát nhà giá rẻ lên tới đỉnh điểm trong năm 2021. Vì vậy, rổ hàng nhà vừa túi tiền này bùng nổ ở vùng ven sẽ là điểm nhấn của thị trường năm 2022.
“Sự khác biệt của phân khúc căn hộ giá rẻ với phần còn lại là nhu cầu để ở lớn, khả năng chi trả cao, thanh khoản tốt. Đây cũng là phân khúc đứng vững trong mọi hoàn cảnh, dù thị trường nóng sốt hay đóng băng. Nếu nguồn cầu nhà giá rẻ được cải thiện nhanh chóng có thể góp phần giảm áp lực lệch pha cung - cầu nhà ở tại các thành phố lớn, các địa phương tập trung phát triển khu công nghiệp, giúp thị trường bất động sản trở nên cân bằng và bền vững hơn”, ông Chánh nói.
Một dự án nhà ở xã hội kỷ lục ‘vua’ bán nhà, mở bán 24 lần vẫn chưa hết
Khá xa trung tâm Hà Nội, cộng với nhiều ‘tai tiếng’ khiến dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long phải tiếp tục nhận hồ sơ mua nhà lần thứ 24 khi còn tới 208 căn cho thuê và 64 căn để bán.
Theo ĐTCK