Được mệnh danh là "quận nhà giàu" ở TPHCM, nhưng quận 1 còn tồn tại những căn nhà tí hon. Người trong gia đình có lúc phải chia ca để ngủ, đi vệ sinh ké.
Lời tòa soạn:
Quận 1 được xem là quận trung tâm sầm uất và giàu có bậc nhất TPHCM. Thế nhưng, ít ai biết nơi đây vẫn còn những người dân sống trong các căn nhà vài mét vuông, phải chia ca để ngủ, giặt giũ nhờ, đi ké vệ sinh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cần có giải pháp đặc biệt giải quyết một cách dứt khoát, không thể để người dân phải chịu đựng tình trạng này dài hơn nữa.
VietNamNet ghi nhận cảnh sống chật chội, bức bí của người dân cũng như tâm tư, nguyện vọng của họ khi thành phố có quyết tâm chỉnh trang đô thị.
Những người dân phải chia ca để ngủ
Khu dân cư Cầu Ông Lãnh (hay còn gọi là khu chợ Gà - chợ Gạo ngày trước) thuộc phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, ở vị trí đắc địa với 4 mặt tiền. Tuy nhiên, nằm sâu trong các con hẻm chật hẹp nơi đây, có những ngôi nhà với diện tích nhỏ bé đến bất ngờ, chỉ từ 2,5-5m².
Ngồi cắm hoa trước cửa căn nhà bé xíu, chị Lê Kim Dung (44 tuổi) cho biết thường ngày, chị không mấy khi ở nhà bởi không gian sinh hoạt quá chật chội.
Gia đình chị Dung thuê căn nhà có diện tích chưa đầy 4m² này từ nhiều năm trước. Dẫu nhỏ, nhưng đây là nơi sinh sống của 4-5 con người.
Chị Dung chia nhà làm 3 phần. Trong ngày, mọi người sinh hoạt ở dưới, ngủ ở 2 gác phía trên. Mỗi căn gác cũng chỉ đặt vừa tấm nệm chứ không thể bài trí gì thêm.
Chị bán đồ ăn trên đường Nguyễn Thái Học nên thường ở ngoài đường, chừa không gian trong nhà để con và cháu nội sinh hoạt. Đến tối, chị mới về nghỉ ngơi.
“Cách đây nhiều năm, khu vực này chưa được xây dựng sạch sẽ, gọn gàng như bây giờ. Nhà cửa chật hẹp lại đông người nên nhiều gia đình phải chia ca để ngủ.
Tức là đêm xuống, một số người sẽ ngủ trong nhà, số còn lại phải đem ghế bố ra ngoài đường ngủ tạm. Lúc đó, hầu như nhà nào cũng có một vài cái ghế bố để chia nhau ngủ như thế.
Khi tụi trẻ con lớn dần, có vợ có chồng nên ra ngoài thuê nhà ở riêng. Từ đó, tình trạng chen chúc, ngủ chia ca mới bớt dần” - chị Dung chia sẻ.
Trong ngôi nhà rộng chừng 5m² cách đó không xa, bà Trần Thị Lệ (63 tuổi) tâm sự, 7 người trong gia đình mình từng trải qua cảnh ngủ theo ca như chị Dung nói.
"Lúc còn khỏe, tôi chồng thêm 2 căn gác phía trên để có thêm chỗ mà ở. Tuy vậy, mỗi ngày, mọi người vẫn phải chịu cảnh xoay hông đụng tường, nằm duỗi chân đụng cửa" - bà kể.
Để san sẻ không gian sống, những người ngủ trong nhà sáng phải dậy sớm rồi đi làm, thậm chí ngồi ngoài đường để người khác vào ngủ đến trưa. Tới trưa, những người này dậy, rời nhà để ai thức sớm về nghỉ ngơi. Những ai làm ca tối thì buổi chiều được ngủ trong nhà cho đến lúc đi.
Hiện tại, nhà bà Lệ chỉ còn 4 thành viên sống tại đây, chủ yếu là người già. Dù sức khỏe yếu nhưng họ vẫn giữ nếp sinh hoạt như trước. Bà có bệnh, khó di chuyển nên được “đặc cách” ăn, ngủ, nấu cơm để bán tại “tầng trệt”. Trong khi đó, những người đàn ông sau khi thức dậy phải rời khỏi nhà, ra ngoài đường cho đỡ chật chội...
Giặt giũ, đi vệ sinh phải ké hàng xóm
Ở quận 1, tình trạng người dân phải sinh sống trong những ngôi nhà tí hon còn xuất hiện tại khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh), khu Mã Lộ (phường Tân Định).
Không ít căn nhà nằm sâu trong con hẻm 245 Nguyễn Trãi (phường Nguyễn Cư Trinh) chỉ có diện tích từ 2-3m². Một trong số này là nhà của ông Nguyễn Phú (63 tuổi). Quá chật chội, vợ chồng ông thường “thay ca” nhau ở nhà.
Chạy xe ôm mưu sinh, ông Phú chỉ có mặt ở nhà khi vợ đi làm. Nếu vợ được nghỉ, ông sẽ ra đường, thậm chí ngủ qua đêm ở công viên.
“Bất tiện, chật chội đã đành, nhưng tôi sợ nhất là nhà nóng không khác gì lò hơi dù đêm hay ngày, mưa hay nắng.
Nếu vợ và con gái ở nhà, tôi phải ra ngoài đường ngồi, thậm chí ngủ qua đêm vì quá chật và nóng” - ông chia sẻ.
Nhà bà Đinh Ngọc Quyên (53 tuổi) ở trong cùng con hẻm này có chiều dài cũng chỉ 5m, rộng 1,3m. Vợ chồng bà làm thêm gác để có chỗ nghỉ ngơi. Còn phía dưới, ông bà dành toàn bộ không gian chứa vật dụng gia đình và phòng vệ sinh - chỉ đủ 1 người ra vào.
Không gian ở đây chật chội, bí bách đến nỗi ông bà thường lùa mấy chú chó lên trên gác ngủ cùng với chủ.
Khu Mã Lộ, bên hông chợ Tân Định, cũng có tình trạng người dân phải sinh sống trong những căn nhà hộp diêm.
Tại một khu nhà chung (số 28D, đường Mã Lộ, phường Tân Định) chỉ rộng chừng hơn 15m², hiện có 3 hộ với 3 thế hệ sống cùng nhau, với gần 20 người.
Trong đó, gia đình bà Trần Thị Quýt (76 tuổi) có đến 6 thành viên chung sống trong căn phòng khoảng 6-7m². Dù đã làm gác lửng nhưng chừng ấy diện tích vẫn không giúp chỗ ăn ngủ bớt chật chội.
Do đó, bà Quýt tận dụng khoảng trống của con hẻm trước cửa nhà làm chỗ nấu ăn. Điều khổ nhất với bà là cả gia đình phải giặt giũ và đi nhờ vệ sinh với hộ bên cạnh.
“Chỗ ăn, chỗ ngủ chật chội, bất tiện trăm bề nhưng chúng tôi đành chịu vì không có tiền để sửa chữa. Mà dù có tiền, chúng tôi cũng không thể cơi nới hay xây thêm vào đâu” - một thành viên gia đình bà Quýt cho hay.
2 gia đình khác sống tại đây nhọc nhằn không kém. Vì quá chật, họ cũng tận dụng khoảng hẻm nhỏ trước cửa phòng để đặt bếp nấu ăn, làm chỗ giặt giũ...
Bài sau: Sống ở nhà chia ca để ngủ giữa trung tâm TPHCM, năm nào cũng phải làm đám giỗ
Với những ai có tình yêu với mùa thu Hà Nội thì không thể không nhớ đến cốm làng Vòng - một món ăn, đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, nhất là với khách du lịch nước ngoài.
Với hơn 11.000 vỏ hộp sữa đổi trong 2 ngày hội Việt Nam Xanh, khách hàng nhận lại gần 600 phần quà xanh, 200 chậu cây và 30 vé đi tham quan trang trại được Vinamilk trao tặng.
Cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, đóng BHXH đủ 15 năm trở lên, nếu tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu và được hưởng nhiều trợ cấp khác.
Sổ tiết kiệm 310 triệu đồng, bộ cốc thương hiệu, ô cầm tay, áo mưa, hàng trăm ngàn voucher giảm giá cùng những lời cảm ơn dễ thương, thú vị là những hoạt động đặc biệt tri ân khách hàng của SHB nhân dịp kỷ niệm 31 năm thành lập.
Phía tây Hà Nội với vị thế trung tâm kinh tế - hành chính mới luôn giữ vị trí “quán quân” về nguồn cung và giao dịch trên thị trường bất động sản. Những năm gần đây, “cán cân” thị trường lại nghiêng về phía đông thành phố.
Mưa lũ khiến hơn 3.000 nhà dân ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chìm trong biển nước. Hình ảnh người vợ lắp giàn giáo kê quan tài cho chồng, hàng xóm chèo thuyền vượt lũ đưa người quá cố đi mai táng khiến nhiều người thắt lòng.
Nhiều chuyên gia cho rằng dinh dưỡng học đường không chỉ là chìa khóa nâng cao sức khỏe học sinh, mà còn là nền móng vững chắc cho một xã hội khỏe mạnh và phát triển bền vững.